Ngay từ những ngày đầu các con tới lớp, thầy cô đã mang trong mình mong muốn giúp các con học sinh hình thành niềm yêu thích đọc sách thông qua cảm hứng từ những giờ Ngữ văn hay Tiếng Việt ở trường. Khi các con chuyển lên cấp học cao hơn, mục tiêu của thầy cô lúc này sẽ là nuôi dưỡng tình yêu ấy thành việc chủ động đọc sách, tạo thành thói quen hằng ngày. Việc phát triển thói quen đọc tích cực trong suốt quá trình phát triển thời thơ ấu và thậm chí cả khi trưởng thành cho học sinh đã trở thành một trong những mục tiêu cốt lõi đối với các nhà làm giáo dục.
Tuy nhiên, đôi khi những phương pháp từng được áp dụng để giúp học sinh đọc sách nhiều hơn đã không còn cho thấy sự hiệu quả. Khi học trò lớn lên, một số em tự thấy bản thân đang mất dần niềm yêu thích đọc sách. Có thể là do các con chưa kết nối được với nội dung đọc hay gặp khó khăn với việc đọc cũng như không thấy thời gian đọc sách là thú vị.
Đến với bài viết hôm nay, các thầy cô hãy cùng IEG Foundation khám phá sâu hơn về văn hoá đọc cũng như các phương pháp đưa văn hóa đọc quay trở lại lớp học và cùng nuôi dưỡng chúng.
Văn hoá đọc là gì?
Văn hóa đọc là môi trường coi trọng và khuyến khích việc đọc sách. Đọc là trọng tâm của chương trình giảng dạy, rất quan trọng đến sự thành công cá nhân, xã hội, và thành tích học tập của học sinh.
Xây dựng văn hóa đọc đòi hỏi sự cống hiến và sự hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan, từ những nhà quản lí giáo dục đến học sinh, phụ huynh và giáo viên. Nghiên cứu chỉ ra rằng để khiến việc đọc sách trở thành thói quen suốt đời, cần có sự hỗ trợ và thúc đẩy từ cộng đồng, xem việc đọc như một hoạt động quan trọng và không kém phần thú vị.
Văn hóa đọc không chỉ hỗ trợ trực tiếp tới chất lượng dạy và học mà còn khuyến khích học sinh tự chọn và tham gia tích cực trong việc đọc sách theo ý muốn của các con.
Tại sao văn hoá đọc lại quan trọng?
Xây dựng một môi trường tạo điều kiện cho văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện môi trường học đường. Ở đây, các em học sinh không chỉ được luyện tập để trở thành những độc giả nhí có "năng lực đọc" chuyên sâu, mà còn giúp các em xây dựng cảm xúc tích cực, kết nối hơn với cộng đồng, và cải thiện kết quả học tập.
Sở hữu năng lực đọc cao là vô cùng thiết yếu trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ môi trường học tập đến công việc và mối quan hệ cá nhân, bởi ở xung quanh các con là biển cả tri thức. Việc đọc không chỉ là chìa khóa cho thành công tương lai, mà còn hỗ trợ trong việc xây dựng mối quan hệ và định hình cuộc sống cá nhân.
Thúc đẩy khả năng đọc thành thục có vai trò quan trọng trong nâng cao thành tích học tập, mở ra những cơ hội giáo dục tốt hơn. Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đã đồng thuận rằng chỉ có những độc giả có lực đọc tốt mới có thể khám phá được những điều kỳ diệu của giáo dục và mở rộng cơ hội phát triển trong cuộc sống. Hơn nữa, những nhà hoạch định chính sách và cả các thầy cô giáo cũng có cùng quan điểm rằng việc đọc đang làm thay một điều mà họ vẫn cố gắng bấy lâu nay: nâng cao tri thức toàn diện của học sinh.
Vậy làm thế nào để xây dựng văn hoá đọc?
Dưới đây là một số phương pháp thầy cô có thể áp dụng để dần xây dựng văn hoá đọc trong lớp học của mình.
1. Tạo không gian đọc sách thú vị
Tạo môi trường đọc hấp dẫn, trực quan là rất quan trọng để thu hút học sinh và nâng cao trải nghiệm đọc.
Điều này bao gồm thiết kế các môi trường hấp dẫn và phù hợp với sở thích của các con, trang trí những món đồ phù hợp với lứa tuổi như những tấm áp phích chứa nhân vật của các tựa sách nổi tiếng. Tiếp đến là những chiếc bảng tin có tính tương tác cao, tăng hứng thú cho các con. Chẳng hạn như một tấm bảng mà trên đó các con có thể giới thiệu cuốn sách hay, trưng bày những câu trích dẫn mà các con tâm đắc, hay gắn những câu đố liên quan đến một tựa sách cả lớp đang cùng đọc “ngấu nghiến”, rồi cùng đi tìm lời giải. Trưng bày những chiếc bìa sách hay các trích đoạn thú vị theo một cách sáng tạo có thể làm bừng lên sự tò mò ở các con học sinh.
Trong thư viện hay không gian đọc, thầy cô có thể sắp xếp tài liệu đọc thành theo thể loại một cách rõ ràng, đa dạng. Bên cạnh đó, không gian ấy nên có các góc nhỏ ấm cúng để đọc sách với đệm hoặc ghế lười, tất cả sẽ tạo ra một môi trường hứng thú giúp các con học sinh có thể đắm mình vào những tựa sách mà con ưa thích.
2. Biến giờ đọc sách thành một giờ sinh hoạt lớp hoặc câu lạc bộ
Tổ chức các hoạt động đọc sách qua các giờ sinh hoạt CLB hay chia nhóm đọc sách sẽ khuyến khích học sinh lật giở những trang sách nhiều hơn.
Các thầy cô có thể giao cho các nhóm một tựa đề chung và lên lịch cho các cuộc thảo luận, chia sẻ một cách thường xuyên trong nhóm và giữa các nhóm. Điều này sẽ tạo ra ý thức cộng đồng, qua đó, thúc đẩy việc đọc nói chung và việc đọc sâu nói riêng. Đọc sách theo nhóm, trong đó các con thay phiên nhau đọc cho cả nhóm và thảo luận về các câu chuyện cũng thúc đẩy việc học tập, mối quan hệ giữa các học sinh trong lớp.
Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tổ chức các sự kiện, hoạt động liên quan đến sách, chẳng hạn như sân khấu hoá các tác phẩm văn học, giúp tăng cường khả năng hiểu, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, và tinh thần đoàn kết trong lớp học.
Việc tổ chức các chuyến thăm và tương tác với tác giả cũng mang lại cho học sinh cơ hội để trao đổi sâu hơn với người viết, từ đó có góc nhìn đa chiều, chân thực với từng tác phẩm (bối cảnh xã hội, ý nghĩa,...) và nâng cao sự yêu thích của các con đối với văn học.
3. Tích hợp việc đọc vào chương trình giảng dạy
Tích hợp việc đọc vào chương trình giảng dạy được cho rằng rất quan trọng để thúc đẩy văn hóa đọc và nâng cao các kỹ năng đọc viết trong từng môn học ở các con học sinh. Bằng cách đưa hoạt động đọc vào trong các môn học, giáo viên sẽ tạo cơ hội cho học sinh được hiểu sâu hơn về nội dung học của con, cũng như phát triển niềm yêu thích tìm tòi qua những trang sách.
Một cách tiếp cận hiệu quả là lựa chọn các văn bản, hay cuốn sách liên quan đến chủ đề đang được giảng dạy và có tính thu hút với các con học sinh, chẳng hạn như giao nhiệm vụ đọc sách về thám hiểm không gian làm học liệu cho bài học khoa học về hệ mặt trời.
Việc kết nối nội dung học tập với các tài liệu đọc thú vị cũng giúp tăng cường và mở rộng khả năng hiểu biết của học sinh. Bằng cách này, các nhà giáo có thể khuyến khích học sinh khám phá các chủ đề mà các con yêu thích bên cạnh những nội dung học bắt buộc.
4. Kết nối việc đọc với các trải nghiệm thực tiễn
Các thầy cô có thể nâng tầm ý nghĩa của văn hóa đọc sách đối với học sinh bằng cách kết nối việc đọc với những trải nghiệm thực tế của các con. Các học sinh ở độ tuổi tiểu học hoặc trung học cơ sở vẫn chưa có đủ nhiều nhận thức về xã hội, và đây chính là cơ hội để các thầy cô tìm hiểu mối quan tâm của các con và tìm cách liên kết việc đọc với những gì xảy ra xung quanh học sinh.
Thúc đẩy nhận thức xã hội và sự quan tâm của học sinh đối với các sự kiện diễn ra trong đời sống có thể thu hút sự chú ý và khơi dậy niềm yêu thích đọc sách của các con vượt ra ngoài bối cảnh lớp học.
Thầy cô có thể thực hiện phương pháp này bằng cách mời các cá nhân đóng góp cho cộng đồng như các chiến sĩ cảnh sát, lính cứu hỏa, hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe để chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm trong sự nghiệp của họ. Đồng thời, đây là cơ hội để học sinh được kết nối với “người thật - việc thật” từ những câu truyện mà các con đọc về những cá nhân đang góp sức mình để xây dựng một xã hội trật tự, an toàn và bình đẳng.
Ngoài ra, thêm một gợi ý là giáo viên có lựa chọn những cuốn sách về bảo tồn thiên nhiên kết hợp với chuyến đi tham quan thực tế ngoài trời để giúp các con quan sát thực tế thiên nhiên được viết trong sách, qua đó nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên sâu sắc hơn trong học sinh. Hay giới thiệu những cuốn sách về các nền văn hóa khác nhau trong những lễ kỷ niệm văn hóa, kì nghỉ lễ cũng sẽ khơi dậy sự tò mò khám phá và nâng cao hiểu biết của học sinh về xã hội xung quanh.
5. Tuyên dương các thành tích đọc sách của học sinh
Quan trọng hơn cả, sự tuyên dương với những thành tích và các dấu mốc trong quá trình đọc sách sẽ là một nguồn động lực mạnh mẽ cho học sinh.
Thầy cô có thể thiết kế "Bảng tuyên dương đọc sách" hoặc bảng thông báo để giới thiệu những cuốn sách yêu thích và cho các con học sinh luân phiên viết bài nhận xét. Qua đó, thầy cô sẽ xây dựng một cộng đồng đọc sách tích cực.
Thêm vào đó, tổ chức các sự kiện đặc biệt như ngày hóa trang theo chủ đề sách hoặc cuộc thi đọc sẽ giúp thầy cô thu hút học sinh đọc hơn nữa và cho phép các con thỏa sức thể hiện, trình diễn những cuốn sách và nhân vật yêu thích của mình.
Biên dịch: IEG Foundation
Bài viết gốc:
High Speed Training - How to Promote a Reading Culture in Schools (tạm dịch: Phương pháp thúc đẩy Văn hoá đọc trong trường học)
My E-Learning World - Creating a Reading Culture in Schools (tạm dịch: Xây dựng Văn hoá đọc trong trường học)
Comments