Trong bài viết “Rèn luyện cơ bắp biết ơn” ở kì trước, thầy cô đã được giới thiệu các bài tập thực hành về lòng biết ơn và vai trò cảm xúc này trong việc thay đổi môi trường học tập cũng như cuộc sống của cả người học và người dạy. Tuy nhiên, một mối lo ngại lớn trong quá trình thể hiện lòng biết ơn của nhiều học sinh là các con thường ngần ngại trong việc nói ra suy nghĩ cá nhân, từ đó phần nào làm hạn chế các tác động tích cực mà lòng biết ơn mang lại.
Đến với bài viết tiếp theo trong chuỗi bài về “Lòng Biết ơn” trong tháng này, các thầy cô hãy cùng IEG Foundation khám phá sâu hơn về cách chúng ta thúc đẩy các con học sinh trong cách con chọn thể hiện lòng biết ơn qua việc áp dụng những bài tập thực hành về lòng biết ơn được nhắc đến trong bài viết “Rèn luyện cơ bắp biết ơn” ở kì trước.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lòng biết ơn mang lại tác động tích cực đáng kể đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ. Với vai trò nhà giáo, chúng ta đều muốn tối ưu hoá tác động tích cực này trong môi trường lớp học. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những khoảnh khắc và phương thức giúp các con trải nghiệm và bày tỏ lòng biết ơn một cách hiệu quả lại đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Mặc dù đa số nghiên cứu đều chỉ ra tính hiệu quả của việc viết nhật ký biết ơn, nhưng đây lại không phải là phương thức duy nhất để bày tỏ lòng biết ơn. Thực tế, mỗi học sinh đều mang những điểm độc nhất, riêng biệt; do đó, các thầy cô sẽ rất khó để áp dụng hiệu quả cùng 1 cách tiếp cận cho tất cả học sinh.
Theo nhà tâm lý học Andrea Hussong, 4 thành phần thiết yếu của bày tỏ lòng biết ơn bao gồm: nhận biết, suy nghĩ, cảm nhận, và hành động. Tương ứng với từng yếu tố, thầy cô có thể đưa ra cho các con một số câu hỏi gợi ý như sau:
Nhận biết: Con biết ơn về những điều gì mà con để ý được trong cuộc sống?
Suy nghĩ: Lí do gì con lại nhận được điều tốt đẹp này?
Cảm nhận: Con cảm thấy như thế nào về món quà giá trị ấy?
Hành động: Con có thể/muốn làm gì để thể hiện lòng biết ơn của mình? Con có muốn nhận sự trợ giúp gì của thầy cô để thể hiện lòng biết ơn của con không?
Ba yếu tố đầu tiên là cơ hội để con nhìn nhận và thấu hiểu trải nghiệm của mình về lòng biết ơn, còn yếu tố cuối cùng chính là lời kêu gọi hành động của chính con để thể hiện sự trân trọng đó. Là người lớn, ta có thể giúp các con nhìn nhận những yếu tố trên như mục tiêu vững chắc, đồng thời cho các con làm quen với những cách khác nhau để đạt được chúng.
Ngay cả với 4 bước căn bản này, quá trình mà mỗi đứa trẻ trải qua cũng vô cùng khác biệt. Với một số học sinh, quá trình này chỉ mất chưa đến vài phút. Với một số học sinh khác, các con cần dành rất nhiều thời gian để đi từ nhận biết đến hành động. Nhưng trước khi đi sâu vào các ví dụ về mục tiêu của mỗi bước hay cách thức linh hoạt để ta hoàn thành bước đó, các thầy cô hãy nghĩ đến những đặc điểm xung quanh hoàn cảnh của mình:
Những điều kiện thuận lợi và cả mặt hạn chế mà ta đang phải đối diện là gì (ví dụ về thời gian, không gian, tính phù hợp với giai đoạn phát triển của học sinh…)
Những tài nguyên, nguồn lực, hình thức công nghệ nào có thể hỗ trợ cho hoạt động này.
Cùng với sự thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của từng học sinh, thầy cô có thể cho các con quyền tự do quyết định cách thể hiện lòng biết ơn – dù bằng viết thư, viết nhật ký biết ơn, hay chỉ qua lời cảm ơn và chia sẻ của các con. Khi đó, các con mới thực sự trải nghiệm được các lợi ích của lòng biết ơn như cải thiện những mối quan hệ và nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần.
Dưới đây là một số mô hình về cách đặt mục tiêu và các phương thức linh hoạt mà các thầy cô có thể áp dụng trong lớp học để các con được trải nghiệm 4 bước “nhận biết, suy nghĩ, cảm nhận, và hành động” để bày tỏ lòng biết ơn:
Mục tiêu: Nhận biết những điều tốt đẹp
Cách làm: Với mục tiêu là thúc đẩy học sinh nhìn ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống và trong môi trường học tập của mình, các thầy cô có thể đưa ra một số chủ đề thảo luận như sau trong giờ sinh hoạt lớp
Những điều nhỏ bé nhưng tuyệt vời, có ý nghĩa trong cuộc sống
Gia đình, bạn bè, thú nuôi của con
Sức khoẻ
Thiên nhiên
Trải nghiệm và các bài học cuộc sống
Mục tiêu: Ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của con
Cách làm: Lúc này, ta muốn đảm bảo các con có thể ghi nhớ về khoảnh khắc, trải nghiệm của mình, ngay cả khi bị giới hạn về không gian và thời gian. Thầy cô có thể đưa cho các con các phương án như vẽ, viết trên giấy, quay video ngắn, ghi âm, hoặc chụp ảnh. Ngoài ra, có một số cách khác có thể cho các con chọn để thực hiện như:
Nghệ thuật: vẽ tranh, tô màu, làm các sản phẩm thủ công, handmade
Biểu diễn: kể chuyện, làm thơ, thuyết trình cá nhân/theo nhóm luân phiên
Viết lách: viết nhật ký, viết thư, viết giấy note cảm ơn
Sơ đồ tư duy: sử dụng biểu đồ hình tròn để vẽ nên những điều làm con vui
Mục tiêu: Hành động để bày tỏ lòng biết ơn
Cách làm: Học sinh có thể tiếp tục tận dụng những sản phẩm con đã làm để ghi lại cảm xúc và suy nghĩ của mình bằng cách tặng những bức vẽ, video, bài thơ, bài hát v.v. cho người con muốn. Hoặc các con cũng có thể đưa ra những ý tưởng hoàn toàn khác với mọi khi như đăng bài trên mạng xã hội, viết email v.v. Thầy cô nên khuyến khích các con tiến xa hơn với những cách thể hiện lòng biết ơn của riêng mình.
Quá trình học tập sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều khi học sinh - sinh viên và giáo viên ở trong trạng thái tinh thần tích cực thay vì tiêu cực, và việc cho học sinh cơ hội lên tiếng và đưa ra lựa chọn là một cách tuyệt vời để thể hiện sự trân trọng với trải nghiệm sống của mỗi con.
---
Biên dịch: IEG Foundation
Bài viết gốc: Edutopia - Promoting Gratitude in Your Classroom (tạm dịch: Đề cao lòng biết ơn trong lớp học)
Comments