Một cách để hiểu về “intellectual humility” (tạm dịch: khiêm nhường tri thức) là việc mỗi người chúng ta có ý thức về sự giới hạn trong quan điểm và cách suy nghĩ của chính mình. Khi một người thể hiện sự khiêm nhường trí tuệ, họ có thể thừa nhận về sai lầm của mình và mở lòng với những quan điểm khác.
Theo Maurice J. Elias - Giám đốc Phòng thí nghiệm phát triển Con người và Cảm xúc - xã hội” của Đại học Rutgers (Mỹ), sự khiêm nhường trí tuệ cũng là một phạm trù khi bàn luận về các nhóm kỹ năng của Giáo dục cảm xúc - xã hội (Social - Emotional Learning hay SEL). Theo ông, nhiều kỹ năng SEL đòi hỏi chúng ta dành thời gian trò chuyện với bản thân và đặt những câu hỏi như, “Mình có chắc chắn về điều này không? Làm thế nào để xác minh độ chính xác của thông tin này?,” cùng các năng lực như đặt bản thân vào vị trí của người khác, giải quyết vấn đề xã hội, giao tiếp, hay phản tư. Cốt lõi của sự khiêm nhường trí tuệ là việc giảm bớt sự nóng vội và hấp tấp trong quá trình tìm kiếm câu trả lời.
Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp các con xây dựng phẩm chất này?
1. Đồng ý - Phản đối - Không chắc (Yes - No - Maybe)
Với hoạt động này, thầy cô cho các con phản hồi lại các nhận định theo một trong ba cách: Đồng ý (Agree) - Phản đối (Disagree) - Không chắc chắn (Maybe). Sau đó, theo nhóm 2-3 người, các con cùng nhau chia sẻ ý kiến, giải thích quan điểm của mình với các bạn và tổng hợp lại thành một báo cáo tóm tắt. Cuối cùng, thầy cô tổng kết và ghi nhận sự đa dạng quan điểm của cả lớp.
Dưới đây là một số nhận định để các con có thể phản hồi:
“Mình nhận ra giá trị ở những quan điểm khác với mình.”
“Mình sẵn sàng thừa nhận nếu bản thân không biết điều gì đó.”
“Mình sẵn sàng lắng nghe người khác, kể cả khi mình không đồng ý với họ.”
“Mình luôn giữ sự hoài nghi với quan điểm của chính bản thân vì mình có thể sai.”
“Khi có những chứng cứ bất đồng nhau, mình thường không sẵn sàng thay đổi ý kiến của mình.”
“Mình luôn tôn trọng người khác, ngay cả khi mình không đồng ý với họ ở nhiều khía cạnh quan trọng.”
Bằng việc thực hành hoạt động này thường xuyên, các con sẽ có cơ hội chia sẻ ý kiến của mình cũng như lắng nghe quan điểm của những thành viên khác trong lớp. Điều này rất có ích trong việc thúc đẩy năng lực phản tư của các con.
2. Tìm hiểu thông tin đa chiều
Học sinh thường không có nhiều kiến thức về việc liệu những thông tin các con tìm được trên mạng có chính xác hay không. Với những con chưa có đủ khiêm nhường nhận thức, con sẽ dễ trao niềm tin vào những trang web với vẻ ngoài uy tín.
Vì vậy, để giúp các con xây dựng năng lực hoài nghi, thầy cô có thể hướng dẫn các con cách tìm kiếm và khai thác các nguồn tin đa chiều và đặt câu hỏi về độ minh bạch. Ví dụ, để kiểm tra trang web mình đang đọc có nguồn thông tin uy tín và chất lượng hay không, các con có thể mở trình duyệt mới và nghiên cứu xem những nguồn thông tin khác đang nói gì về trang web này. Những đối tượng ngoài kia nhận xét thế nào về chính chủ?
Hơn tất cả, thầy cô hãy để các con hiểu rằng, việc tìm kiếm nguồn thông tin chính thống và chất lượng trong sự nhiễu loạn thông tin của thế giới hiện đại không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu các con có sự nghi ngờ về một nguồn thông tin nào đó dù là nhỏ nhất, các con nên lắng nghe sự hoài nghi của chính mình.
3. Khuyến khích sự tò mò
Trí tò mò là cốt lõi của sự khiêm nhường trí tuệ. Tò mò là khi các con có thể băn khoăn về mọi việc và ngẫm nghĩ về sự muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Một hoạt động thầy cô có thể làm là cho các con xem những hình ảnh như dưới đây và đặt câu hỏi để các con đoán xem mỗi vật trong hình có khả năng là gì.
Một bài tập tương tự là hỏi các con về những chức năng các con có thể nghĩ tới từ những đồ vật quen thuộc như chiếc thước kẻ hay kẹp giấy. Việc thực hiện những hoạt động này thường xuyên sẽ giải phóng các con khỏi lối suy nghĩ rằng mỗi vấn đề chỉ tồn tại một giải pháp hoặc một phương án phù hợp nhất.
4. Tự vấn: "Tại sao mình biết những gì mình biết?"
Để xây dựng sự khiêm nhường nhận thức, thầy cô hãy đưa cho các con một số bức hình không có hình thù rõ ràng hoặc ảo ảnh thị giác (optical illusion) và yêu cầu các con viết ra những gì mình thấy. Tiếp theo, hãy hỏi các con, “Làm thế nào con biết được đáp án của mình là đúng?”. Sau đó, thầy cô hãy cho các con chia sẻ ý kiến của mình với một vài bạn để các con có cơ hội lắng nghe quan điểm khác nhau của mọi người trong lớp.
Mục tiêu của hoạt động này là giúp các con nhận ra sự đa dạng về góc nhìn và quan điểm. Con có thể cảm thấy chắc chắn về những gì mình nhìn thấy, nhưng những người khác lại không cảm nhận như vậy.
Và bài học quan trọng nhất: chúng ta luôn có thể đưa ra những lời giải thích hợp lý đứng từ góc độ của mình, dù quan điểm của mỗi người là khác nhau.
5. Đặt bản thân vào vị trí của người khác
Với hoạt động này, hãy chuẩn bị hình vẽ hai đôi bàn chân trên giấy. Khi tranh luận giữa hai học sinh xảy ra, thầy cô hãy yêu cầu mỗi con bước vào vị trí một đôi bàn chân và đối diện nhau, với khoảng cách giữa hai bạn là khoảng 1 mét.
Sau đó, ở nguyên vị trí, mỗi bạn đầu tiên trình bày quan điểm của cá nhân mình. Tiếp theo, hai con sẽ đổi vị trí cho nhau. Lần này, mỗi bạn sẽ trình bày lại quan điểm đối phương vừa nói cho tới khi cả hai bạn cảm thấy người kia đã chia sẻ chính xác quan điểm của mình. Cuối cùng, thầy cô hãy hỏi xem mỗi bạn có thể làm gì để tình huống này không lặp lại lần sau.
Hoạt động này là một ví dụ về sự khiêm nhường trí tuệ - sự sẵn sàng trong việc lắng nghe và thấu hiểu một quan điểm khác, dù bản thân có thể không đồng tình với ý kiến đó.
Với một số học sinh, việc đặt bản thân mình vào vị trí của người khác không phải là điều các con quen làm. Một lí do là các con thường không có hứng thú trong việc lắng nghe những quan điểm khác biệt. Thực hành bài tập này buộc các con làm điều đó và thực hiện một cách nghiêm túc. Như vậy, các con sẽ dần nhận thức được ý nghĩa của việc lắng nghe cũng như khả năng hoài nghi với những điều tưởng chừng như chắc chắn.
______________________________
Tài liệu tham khảo:
Elias, Maurice J. “5 Ways to Encourage Students to Develop Intellectual Humility.” Edutopia, George Lucas Educational Foundation, 9 Aug. 2022, www.edutopia.org/article/5-ways-encourage-students-develop-intellectual-humility/.
Comments