top of page
trungnguyen9

Viết cho tuổi 15–20 của tụi con...

Dạo gần đây, thầy được may mắn tiếp xúc với rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tuổi 15–20, cái độ tuổi thật nhiều năng lượng, ước mơ và tươi đẹp. Nhưng tự nhiên trong lòng cũng dấy lên chút miên man khó tả: một chút bồi hồi nhớ về cái tuổi đó của bản thân; một chút tiếc nuối, ước chi các bạn trẻ được định hướng tốt hơn để sống thật trọn vẹn với thanh xuân, vừa phát triển bản thân bền vững, sâu sắc mà vừa tận hưởng cuộc sống xanh tươi.


Hôm nay, mạn phép viết cho tụi con vài điều thầy muốn gởi gắm cho cái lứa tuổi thật tươi đẹp này nhé…

 

1. Đọc thường xuyên hơn


Tụi con hãy chăm đọc sách nhé, dẫu thầy biết rằng cầm quyển sách lên giữa bao cám dỗ và thú vui tiêu khiển “dễ xơi” ngày nay là rất khó, đừng nói chi là đọc hết cả quyển. Thật ra, lướt Facebook hay Instagram, đọc mấy cái status nhanh hay post ngắn ngắn cũng không có gì là sai cả.


Thế nhưng, nếu việc đọc của con chỉ dừng lại ở đó, thì nó sẽ làm chúng ta cái gì cũng vội vàng, dễ quy chụp mà không có những khoảng lặng, lắng đọng và đào sâu những lát cắt, sắc màu của một mẩu kiến thức.

Mai kia con đi xa và ra đời, người ta không thích những con người cái gì cũng biết một chút mà chẳng có cái gì biết sâu.


Mỗi tuần con dành thời gian đọc được 50 trang sách là quý hóa lắm, và 10 năm sau nhìn lại, con sẽ thấy mình bỏ xa bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa khi đó rồi mà họ vẫn ngồi đâu cũng chỉ biết quẹt điện thoại, lướt Instagram cho mục đích thuần giải trí.



Đọc 50 trang sách/tuần, cứ vậy sau 10 năm, con sẽ tiến rất xa.


2. Viết lâu lâu chút


Đã bao lâu rồi con chưa đặt bút viết một bài gì đó cho ra tấm ra món? Tiếng Việt cũng được, mà Tiếng Anh cũng tốt, nhưng nó phải là bài văn 2–3 trang không phải vì trả bài trên lớp hay thi cử cơ. Tốc độ bấm phím điện thoại, gõ máy của tụi con giờ nhanh lắm, vì tụi con sinh ra ở cái thời máy tính, điện thoại đã phổ biến như cơm bữa.


Nhưng những cái gõ nhanh ấy lại gò tụi con theo kiểu suy nghĩ nhanh vội, đôi khi không kiểm soát được cách mình ăn nói và hành xử. Ngược lại:

khi tụi con bình tâm suy nghĩ và viết đủ lâu – dài ngắn thì tùy – tức là tụi con đang học cách suy nghĩ sâu, điềm tĩnh hơn.

Ở thế giới ngoài kia, những người viết tốt thường là những người tư duy tốt, con ạ.


Chỉ với 1–2 trang viết mỗi tuần, con có biết là điều đó sẽ dẫn con đi bao xa trong thế giới ngày mai nhiều đổi thay không?


Đặt bút viết cũng là cách tìm về với bản thân.



3. Theo đuổi ít hoạt động thôi


Tụi con đang ở độ tuổi “hăng” hoạt động, và đó là một điều tốt. Thế nhưng, đừng chạy sô chất lên người một đống thứ, mỗi thứ một kiểu chẳng liên quan, ăn nhập gì nhau. Thay vì đó, hãy theo đuổi 1–2 hoạt động thôi, cái nào mà con thật sự thích í, chứ không nhất thiết phải phong trào, "đu trend".


Chạy sô nhiều thì CV con sẽ dài ra thật, nhưng chưa chắc con đã hiểu một cái gì thật sự sâu. Làm 1–2 hoạt động thôi thì mới nghe qua tưởng là không hoành tráng bằng. Nhưng rồi con sẽ suy nghĩ sâu sắc hơn là xé bản thân ra thành nhiều miếng, làm như một cái máy mà không có khoảng lặng để thấm hiểu mình mất gì và được gì.

Ngoài kia, họ thích những người đi đến cùng với một thứ hơn là những người xé mình ra nhiều mảnh chỉ để có cái CV dài vài trang.


Đôi khi, Con hãy thử cho phép mình được hết mình với một con đường, thay vì ôm đồm nhiều thứ.


4. Kiên trì làm việc


Nếu có cơ hội đi thực tập và làm việc phù hợp, thầy khuyên con nên “chộp” ngay. Nhưng khi vừa vào làm vài ngày hay vài tháng, đừng vội chê bai công việc là có phù hợp hay không, đừng moi móc lỗi lầm của người khác hay môi trường, và cũng đừng làm vài tháng rồi vịn vào mọi lý do để thuyết phục mình nên nghỉ. Ở ngoài kia đầy những người trẻ suy nghĩ hời hợt như vậy rồi đó con.


Trừ khi, nếu công việc quá tổn hại về sức khỏe, phi đạo đức hay phi pháp luật, thì đúng là con nên nghỉ ngay. Còn nếu không, thầy mong con ráng “ép” bản thân mình cho đủ, thực tập thì ráng làm cho hết 3–6 tháng, công việc thì ráng trọn 1–2 năm. Đừng xồm xồm lên như bao người trẻ, mới làm vài tuần hay 1–2 tháng mà đã hoặc cho mình biết tất, hoặc chê bai đủ điều và xin nghỉ.


Con sẽ học nhiều điều về bản thân, cuộc đời và con người hơn là chính công việc chuyên môn. Những bài học “bên lề” ấy có khi còn quan trọng hơn là chuyên môn đó con, vì thế giới này cũng nhiều người giỏi chuyên môn nhưng cực kỳ kém mấy khoản "bên lề" kia con ạ.

Kiên trì làm việc và trau dồi cả những kỹ năng bổ trợ Con nhé.



5. Nếm trải thế giới


Tụi con giờ có cơ hội đi đây đi đó nhiều lắm, và đó là một điều rất tốt. Thế nhưng, đi du lịch thì tụi con “kiềm chế”, bớt mua sắm lại nhé. Vì đó là tiền của bố mẹ, chưa phải là tiền của tụi con. Tiền bạc bố mẹ cho hoặc do tụi con tích lũy được, thì con nên để dành, mua những thứ sẽ có giá trị lâu dài và bớt chi tiêu cho những cái mà con xài được 1–2 năm rồi bỏ đi.


Con đừng cứ tiện tay mua nhiều tài sản vật chất quá – cái đó mai kia con có thể mua được khi có nhiều tiền rồi.

Hãy tập trung chi tiền cho những tài sản trí tuệ và tâm hồn.

Những thứ vật chất kia thường sẽ khấu hao, mài mòn nhanh lắm; còn hai điều còn lại thường sẽ sản sinh ra nhiều vật chất sau này và cả những điều phi vật chất nhưng lại rất cần trong cuộc đời.


À còn nữa, thay vì selfie và cứ mãi dán mắt vào điện thoại, thầy mong con học cách ngước mắt lên và để ý cuộc sống, văn hóa xung quanh, người dân địa phương và cả những du khách. Điều đó dạy con nhiều về cuộc đời và chính bản thân của mình hơn là màn hình điện thoại và những tấm selfie.


Hãy tập cách ngắm nhìn thật lâu những thứ mà con nghĩ là sẽ khó gặp lại một lần trong đời, con nhé.

Khi cảm mến điều gì, Con thử dành cho họ/điều đó cái nhìn thật sâu xem sao?


6. Hoan nghênh thất bại


Nếu con muốn làm một điều gì đó nhưng ngập ngừng vì sợ thất bại và bị chê bai cười khinh, thầy mong con đủ can đảm và tự tin để làm đúng điều đó. Hãy cho phép mình được thất bại vì đây là giai đoạn đẹp nhất để thất bại, khi con không có nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ để chăm lo cho những người khác và rất dễ để con làm tất cả lại từ đầu.


Nghe có vẻ hơi thừa và sáo rỗng, nhưng thầy tin là thất bại chắc chắn sẽ đến ít nhất vài lần trong cuộc đời con, nếu không muốn nói là rất nhiều. Nhưng tất cả đều không quan trọng bằng cách con đi tiếp đâu.

Làm quen thất bại nhiều thì mai kia con sẽ miễn nhiễm với cảm giác hoang mang và lo sợ.

Con có biết là rất nhiều người 30–40 tuổi rồi mà vẫn sợ thất bại, nên họ cứ mãi bám víu vùng an toàn, để rồi mai kia thường sẽ lại sống trong nhiều hối tiếc. Chúng ta phải té mấy trăm lần mới từ việc biết bò thành biết đi, biết chạy mà đúng không?


Quy luật tự nhiên đã thế, lẽ nào lòng người lại không theo được quy luật tự nhiên.


Cho phép bản thân được thất bại cũng là khi Con cho phép mình được lớn lên, gan lì hơn, mạnh mẽ hơn.


7. Khiêm tốn gấp bội phần


Tụi con bây giờ rất rất rất giỏi, vượt xa thế hệ của thầy ngày xưa nhiều nhiều lắm lắm. Nhưng thầy vẫn hay nói: Giờ tụi con 15 tuổi đã qua mặt thầy năm 15 tuổi, nhưng thầy tin là ở thế giới ngoài kia có vô số bạn bằng tuổi con mà đã hơn thầy năm thầy 25–30 tuổi rồi.


Thế nên, con đừng chỉ mãi nhìn ngắm cái “vòng tròn chật hẹp” quanh con và cho mình là giỏi nhất. Thậm chí khi con đã giỏi nhất trường, nhất thành phố, nhất tỉnh hay nhất cả nước, thầy mong con hiểu rằng thế giới ngoài kia to rộng hơn nhiều lần và tồn tại rất nhiều thước đo khác cho sự xuất sắc, mà ở những thước đo đó, chúng ta đôi khi chỉ đang đứng ở vạch xuất phát thôi.


Một cái nhìn eo hẹp chỉ như một cái gọng kềm, kiềm hãm sự phát triển của chính bản thân con.

Thầy chỉ mong là mỗi tuần con nhìn lại và thấy mình đã tiến bộ hơn bản thân của tuần trước, và con có mục tiêu gì đó cho tuần tiếp theo để phấn đấu cải thiện, thì đó đã là vừa đủ. Một ngày nào đó nhìn lại, thầy tin là con sẽ nhận ra con đã đi được bao xa.

Và khi đó, người ta sẽ ngước lên nhìn con, không phải vì sự xuất sắc của con mà còn vì đức tính khiêm tốn nữa.



Khiêm tốn, cần mẫn để cho bản thân cơ hội được trưởng thành, Con nhé.


8. Tận hưởng gia đình


À, con có nhận ra tóc bố mẹ con đã bạc hơn nhiều không? Chắc không mấy bạn ngày nay có thói quen nhổ tóc bạc cho bố mẹ, hoặc có bao nhiêu bạn đã quen kiểu về đến nhà là đắm đuối ôm ấp màn hình nhiều hơn là ngắm nhìn bố mẹ? Thầy chắc là bố mẹ con cũng đã có thêm vài nếp nhăn trên gương mặt rồi đó, vì con cũng đã 15–20 tuổi rồi mà. Còn nữa, đã bao lâu rồi con chưa trò chuyện đủ lâu với anh chị em, ông bà nhỉ?


Mai kia, con sẽ bay thật xa và khám phá những vùng trời mới, nhưng điều đó cũng có nghĩa là thời gian của con bên bố mẹ, gia đình cũng vì thế mà từ từ ngắn lại.

Thầy mong sẽ có một ngày, trong những lần con đang ăn bữa tiệc sang trọng hoặc đồ ăn ngon trong một nhà hàng "xịn sò" tại New York, London hay Paris, con chợt nhận ra cơm nhà mẹ nấu ngon biết dường nào.

Thế nên, nếu con tin thầy thì giờ đây, còn được ở bên gia đình giờ nào, con hãy để tâm và tận hưởng đi con nhé.



Con có thử đếm số nếp nhăn bên khóe mắt, số sợi tóc bạc của người thân chưa?


9. Chắt lọc bạn bè


Chắc là tụi con tầm tuổi này cũng sẽ có nhiều bạn bè lắm, và thường cũng sẽ có nhiều hợp tan, chia phe, giận hờn, vui buồn,… và rất nhiều thứ nữa.

Thầy mong trong một rừng bạn bè mà con gặp phải, con sẽ học cách chắt lọc những tình bạn dựa trên tính cách, giá trị và quan điểm sống, chứ đừng chỉ chạy theo những cái vẻ bề ngoài cool ngầu lộng lẫy.

Mai kia, càng lớn lên, con sẽ thấy ít có tình bạn nào trong trẻo và hồn nhiên như những tình bạn thời chúng ta còn hồn nhiên. Những người bạn thật sự thân mà con có được trong khoảng thời gian này có lẽ sẽ là những người nhìn con đi qua nhiều chông chênh, vui buồn, lên xuống của cuộc đời, và họ sẽ dìu con qua những khoảnh khắc mà con tưởng chừng cả thế giới đều xoay lưng với con.


Thanh xuân của con cần những người bạn “trong trẻo, hồn nhiên, không vụ lợi” như thế.


Trân quý và gìn giữ những người mà Con gọi là "bạn" nhé.



10. Suy nghĩ sâu hơn chút


Xem một bộ phim, vở kịch, một show truyền hình thì thầy mong con đừng chỉ chăm chăm ngoại hình diễn viên, quần áo người nổi tiếng, hay những phát ngôn sốc hông…


Hãy thử suy nghĩ nếu là chính con trong mỗi tình huống, con sẽ làm gì và suy nghĩ thế nào. Thói quen tự phản chiếu ấy thường sẽ dạy cho chúng ta nhiều về bản thân hơn là về những người “xa lạ” mà chúng ta chưa chắc sẽ gặp trong đời.

Thầy ngày xưa ghiền Kim Dung và Naruto, mỗi tối vẫn dành 30–60 phút để cày phim. Thế nhưng, mỗi thước phim lại thường cho thầy nhiều nước mắt, nụ cười và nghị lực để đi tiếp. Ở mỗi nhân vật, thầy đều muốn lấy một chút của họ và biến thành của mình.


Mưa dầm ắt sẽ thấm lâu, và con người con nên trưởng thành hơn qua việc suy ngẫm về từng bộ phim, vở kịch, chứ đừng chỉ coi đó là giải trí xem qua loa cho có.



Thử phản chiếu bản thân qua những bộ phim, Con nhận ra điều gì?


11. Thấu hiểu và tích cực


Mong con hãy bớt suy nghĩ là cả thế giới, cuộc sống và bố mẹ đang chống lại con, rằng con là lỗ rốn của vũ trụ, và cả vũ trụ này vận hành chỉ để làm hài lòng con. Trước khi con tức giận hay quật lại ai đó, hãy khựng lại vài nốt nhạc.


Hãy thử nhìn ngắm và nghĩ về một điều gì đó làm con cảm thấy mình bé nhỏ. Khi đó, thầy tin là con sẽ thấy bình tĩnh hơn. Với thầy, thầy thường hay tưởng tượng mình đang ngồi ngắm biển hoặc lên núi nhìn trời mây - và nếu rảnh là thầy tìm đến biển núi trời mây thật. Mong con cũng tìm được một điều giúp cho tấm lòng con rộng mở hơn.


Con cũng nhớ dành thời gian cho người khác nữa con nhé. Và khi con đã dành thời gian cho họ, hãy lắng nghe họ nhiều hơn. Thầy mong khi đó, con sẽ hiểu mỗi người đều có một cuộc chiến của riêng mình. Khi đó, con sẽ nhìn mọi thứ tích cực hơn, thay vì chất đầy cõi lòng với những chỉ trích và giận hờn.

Biết đâu là nhờ vậy mà mai kia, sẽ có người chịu lắng nghe con và thấu hiểu những cuộc chiến của con, để cùng con tích cực đi qua những cuộc chiến khó đỡ ấy.



Ai cũng có một cuộc chiến riêng, học cách lắng nghe để được kết nối nhiều hơn Con nhé.


12. Thành thật với cảm xúc


Thầy biết là bao nhiêu cảm xúc của tụi con sẽ bùng nổ trong giai đoạn này. Buồn này, hoang mang này, lạc lõng này, giận hờn này, vui này, hy vọng này… Thầy mong con – cả con gái lẫn con trai – đừng vì những cái nhìn của người đời mà kềm nén lại hết tất cả những cảm xúc đó và giấu nhẹm hết thảy ở trong lòng.


Nếu muốn khóc thì cứ khóc cho đã, con nhé. Nếu vui thì hãy cười cho thật sảng khoái. Yêu thì đừng tính toán được thua quá nhiều nhưng cũng không nhất thiết phải mạo hiểm rủi ro. Thương ai thì cứ nói là thương. Và không thích ai thì cũng không cần phải gồng gánh gượng ép mối quan hệ ấy làm gì. Cảm xúc mà kìm nén lâu ngày quá, thầy sợ con bị trơ.

Con nên nhớ nước mắt tồn tại ở đời là có thiên chức và sứ mệnh của nó. Con được quyền khóc, con nhé, dù là gái hay trai.


Bất kể là niềm vui hay nỗi buồn, cảm xúc của Con cần được Con chấp nhận và lắng nghe.


13. Cuối mỗi ngày và đầu giờ sáng...


Trước khi đi ngủ, đừng bám lấy cái điện thoại, lướt net, đánh game đến khi sập mắt, mà hãy cho mình khoảng 5–10 phút để suy nghĩ điều gì quan trọng và thật sự làm con vui trong một ngày vừa qua. Hãy tập trung vào những thứ không dính dáng gì nhiều đến vật chất. Khi đó, chắc là con sẽ dần hiểu được ngày mai con nên bắt tay và tập trung vào điều gì.


Rồi khi con mở mắt dậy mỗi sáng, cũng đừng chộp ngay cái điện thoại và lướt net. Hãy chọn suy nghĩ về một điều tốt đẹp mà con có thể làm trong ngày hôm đó và hãy gạt qua những suy nghĩ buồn bực của ngày hôm qua.


Ngày hôm qua con không thể kiểm soát hoặc thay đổi được nữa, nhưng 24 tiếng tiếp theo là do con quyết định.

Và đổi thay cũng thường đến từ cách con bắt đầu mỗi buổi sáng.



Con muốn thiết kế ngày hôm nay như thế nào?

 

Một mớ bòng bong của điện thoại, chơi game, Instagram, quần áo, giày dép, trà sữa HAY LÀ học hành, gia đình, phát triển bản thân và xây dựng các mối quan hệ bền vững sâu sắc, thầy mong mỗi ngày con nhìn rõ hơn là điều gì mới thật sự xứng đáng để con dành tặng phần lớn tuổi thanh xuân. Cán cân lệch về bên nào, tất cả là do chính bản thân con lựa chọn. Đừng để cán cân mãi lệch về một bên mà mai kia, con không đủ sức cân bằng lại được.


Đổi thay giờ đây với tụi con có thể sẽ khó thật, nhưng chắc sẽ được mà. Thầy tin là tụi con làm được, thì lẽ nào chính tụi con lại không cho mình niềm tin ấy.

Hãy sống tích cực và hy vọng con nhé, vì đó mới là thanh xuân. Tuổi 15–20 rồi sẽ đi qua trong chớp mắt thôi, vì thời gian thường tăng tốc khi con có quá nhiều năng lượng và nhiều thứ để làm.


Hãy học tập, làm việc, sống, cảm nhận và suy nghĩ sao cho mai kia nhìn lại, con sẽ không phải hối tiếc vì những điều bi quan, tiêu cực, biếng lười mà là trân trọng những tích cực, xanh tươi và trong trẻo do chính con đã gieo mầm cho bản thân. Để mỗi khi nhìn lại, con càng thấm hiểu giá trị đích thực và sâu sắc của những hạt mầm tích cực mà con có thể tiếp tục gieo cho bản thân mỗi ngày.


Mong tuổi 15–20 của tụi con thật tròn đầy và ý nghĩa, tích cực và không quá nhiều hối tiếc…



- TS. Nguyễn Chí Hiếu

Sáng lập Quỹ IEG Foundation

10 views0 comments

Comments


bottom of page