top of page
Writer's pictureIEG Foundation

Tổng quan về Giáo dục Cảm xúc - Xã hội

Giáo dục Cảm xúc - Xã hội (Social - Emotional Learning hay SEL) được xem là một hướng đi rất hiệu quả trong quá trình bồi dưỡng sự phát triển toàn diện của học sinh. Việc tích hợp giáo dục Cảm xúc - Xã hội vào chương trình học đang dần trở nên phổ biến hơn và ngày càng được nhiều trường học và tổ chức áp dụng. Bài viết cung cấp các thông tin tổng quan về khái niệm và giới thiệu mô hình Giáo dục cảm xúc - xã hội, phát triển bởi CASEL - mạng lưới tiên phong kết nối các nhà thực hành giáo dục và nghiên cứu trong việc ứng dụng và triển khai giáo dục cảm xúc - xã hội trong công việc giảng dạy.


GIÁO DỤC CẢM XÚC - XÃ HỘI LÀ GÌ?

Giáo dục cảm xúc - xã hội (Social - Emotional Learning hay SEL) là một phần không thể thiếu trong giáo dục và sự phát triển con người. SEL là quá trình giúp mỗi cá nhân trang bị và áp dụng những kiến thức, kỹ năng, và thái độ cần thiết để: xây dựng bản sắc cá nhân lành mạnh, quản lý cảm xúc, đạt được các mục tiêu cá nhân và tập thể, thấu cảm và sẻ chia với người khác, xây dựng và duy trì các mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, cũng như đưa ra những quyết định có trách nhiệm và thể hiện suy nghĩ thấu đáo.


Giáo dục Cảm xúc - Xã hội thúc đẩy sự công bằng và chất lượng giáo dục thông qua việc xây dựng cộng đồng gắn kết lành mạnh và chân thành giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng. Qua đó, môi trường và trải nghiệm học tập được thiết kế dựa trên sự tin tưởng và hợp tác, chương trình giảng dạy chặt chẽ và thiết thực, cũng như sự đánh giá đều đặn. SEL không chỉ giúp giảm thiểu bất bình đẳng mà còn trao quyền cho mỗi cá nhân cùng kiến tạo những ngôi trường phát triển thịnh vượng, đồng thời góp phần xây dựng những cộng đồng an toàn, lành mạnh, và công bằng.


KHUNG NĂNG LỰC CẢM XÚC - XÃ HỘI

Mô hình Giáo dục cảm xúc - xã hội được xây dựng bởi CASEL (Collaborative for Academic, Social, and Emotional Learning), bao gồm 5 năng lực cốt lõi: Khả năng tự nhận thức (Self-awareness), Quản trị bản thân (Self-management), Ra quyết định có trách nhiệm (Responsible decision-making), Làm chủ các mối quan hệ (Relationship skills), Nhận thức xã hội (Social awareness).


Mô hình Giáo dục Cảm xúc - Xã hội của CASEL

1. Khả năng tự nhận thức (Self-awareness): là khả năng thấu hiểu cảm, suy nghĩ, hệ giá trị của bản thân và cách chúng ảnh hưởng tới hành vi trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều này bao gồm năng lực nhận diện điểm mạnh và điểm yếu của bản thân bằng sự tự tin và mục đích rõ ràng. Các kỹ năng bao gồm:


  • Kết nối bản sắc cá nhân và xã hội

  • Nhận biết các giá trị cá nhân, văn hóa, và ngôn ngữ của bản thân

  • Nhận diện cảm xúc của chính mình

  • Thể hiện sự trung thực và liêm chính

  • Kết nối cảm xúc, giá trị, và suy nghĩ

  • Xem xét các định kiến (prejudices) và thiên kiến (biases)

  • Có niềm tin vào năng lực bản thân (self-efficacy)

  • Sở hữu tư duy phát triển (growth mindset)

  • Phát triển sở thích và ý thức về mục đích sống


2. Quản trị bản thân (Self-management): là khả năng quản lý hiệu quả cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân trong các tình huống khác nhau để đạt được mục tiêu. Điều này bao gồm năng lực trì hoãn sự thỏa mãn tức thời, kiểm soát căng thẳng, cũng như duy trì động lực và sự tự chủ để hoàn thành các mục tiêu cá nhân và tập thể. Chẳng hạn như:


  • Quản lý cảm xúc

  • Nhận diện và áp dụng các phương pháp quản lý căng thẳng

  • Có kỷ luật cá nhân và khả năng tự tạo động lực

  • Đặt mục tiêu cá nhân và tập thể

  • Vận dụng các kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức

  • Chủ động hành động và có sự tự chủ ở mức độ cá nhân và tập thể


3. Ra quyết định có trách nhiệm (Responsible decision-making): là khả năng đưa ra các cơ hội mang tính xây dựng và quan tâm về hành vi cá nhân, các tương tác xã hội ở nhiều tình huống khác nhau. Điều này bao gồm khả năng cân nhắc các tiêu chuẩn đạo đức và sự an toàn, đánh giá ích lợi và hậu quả của hành động tới sự phát triển của cá nhân, tập thể và xã hội. Chẳng hạn như:


  • Thể hiện sự tò mò và tư duy cởi mở

  • Học cách đưa ra phán đoán hợp lý sau khi phân tích thông tin, dữ liệu, và sự việc

  • Tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cá nhân và xã hội

  • Dự đoán và đánh giá hậu quả của hành động

  • Nhận ra giá trị của tư duy phản biện trong học tập và đời sống

  • Suy ngẫm về vai trò của bản thân trong việc thúc đẩy sự phát triển cá nhân, gia đình, và cộng đồng

  • Đánh giá tác động ở cấp độ cá nhân, quan hệ, cộng đồng, và tổ chức


4. Làm chủ các mối quan hệ (Relationship skills): là khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh và mang tính hỗ trợ, cũng như xử lý các tình huống với các cá nhân và nhóm một cách hiệu quả. Điều này bao gồm khả năng lắng nghe chủ động, hợp tác để giải quyết vấn đề và đàm phán xung đột hiệu quả, thích nghi với các nhu cầu, cơ hội văn hóa và xã hội, thể hiện khả năng lãnh đạo, tìm kiếm và cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết. Ví dụ như:


  • Giao tiếp hiệu quả

  • Phát triển các mối quan hệ tích cực

  • Thể hiện năng lực văn hóa (cultural competency)

  • Thực hành làm việc nhóm và giải quyết vấn đề một cách hợp tác

  • Giải quyết xung đột mang tính xây dựng

  • Phản kháng những áp lực tiêu cực từ xã hội

  • Thể hiện khả năng lãnh đạo nhóm

  • Tìm kiếm hoặc cung cấp sự hỗ trợ khi cần

  • Bảo vệ quyền lợi của người khác


5. Nhận thức xã hội (Social awareness): là khả năng thấu hiểu quan điểm và đồng cảm với người khác, bao gồm cả các cá nhân từ những nền tảng khác nhau. Điều này bao gồm khả năng thể hiện lòng trắc ẩn, thấu hiểu về các chuẩn mực xã hội và bối cảnh lịch sử khác nhau, nhận diện các nguồn lực và sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Bao gồm:

  • Nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác

  • Nhận diện điểm mạnh của người khác

  • Thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn

  • Quan tâm đến cảm xúc của người khác

  • Hiểu và bày tỏ lòng biết ơn

  • Nhận diện các chuẩn mực xã hội, bao gồm cả những chuẩn mực bất công

  • Nhận diện yêu cầu và cơ hội từ các tình huống

  • Hiểu những tác động của các tổ chức và hệ thống lên hành vi


SEL TRONG LỚP HỌC

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng năng lực cảm xúc - xã hội có thể được củng cố thông qua nhiều cách tiếp cận trong lớp học, chẳng hạn như:


(a) Giảng dạy trực tiếp, trong đó các kỹ năng cảm xúc - xã hội được dạy và thực hành theo cách phù hợp với sự phát triển của học sinh, cũng như phù hợp với bối cảnh văn hóa và xã hội;


(b) Phương pháp giảng dạy như Học tập hợp tác (Cooperative learning) và Học qua dự án (Project-based learning);


(c) Tích hợp SEL vào chương trình học, bao gồm các môn ngữ văn, toán học, khoa học, lịch sử, khoa học xã hội và nghệ thuật biểu diễn, …

Những chương trình giảng dạy SEL chất lượng cao thường hội tụ 04 yếu tố, gọi tắt là S.A.F.E.:


  • S – Sequenced (Có trình tự): Theo một chuỗi phương pháp đào tạo để phát triển năng lực.

  • A – Active (Tích cực): Nhấn mạnh vào các hình thức học tập chủ động nhằm giúp học sinh thực hành và làm chủ kỹ năng.

  • F – Focused (Tập trung): Triển khai chương trình học với mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển các năng lực SEL.

  • E – Explicit (Cụ thể): Xác định và tập trung vào các kỹ năng, thái độ, và kiến thức cụ thể.

____________________________

Nguồn tham khảo:

“What Is the Casel Framework?” CASEL, 3 Mar. 2023, casel.org/fundamentals-of-sel/what-is-the-casel-framework/.

21 views0 comments

Comments


bottom of page