Sự sáng tạo có gặp trở ngại trong văn hóa đặt nặng các bài kiểm tra tiêu chuẩn không?
Chúng ta có một vấn đề lớn với hệ thống giáo dục của mình, không chỉ ở Mỹ, mà ở nhiều nước công nghiệp phát triển lâu đời. Hoa Kỳ có tỷ lệ học sinh bỏ ngang khi học trung học là 30% — trong các cộng đồng người Mỹ gốc Phi/Latino là hơn 50% và trong một số cộng đồng người Mỹ bản địa là gần 80%. Và những đứa trẻ không thực sự có lỗi trong việc này, mà đây là một lỗ hổng có hệ thống. Khi giáo dục không được cá nhân hóa, với hình thức ngồi thành những hàng ngang đã trở nên lỗi thời, các con không có môi trường để phát hiện ra thử thách hoặc tiếp thêm sinh lực cho bản thân.
Sự bế tắc này cũng đúng với văn hóa thi cử chuẩn hóa bởi những bài thi này hoàn toàn phản tác dụng trong việc giáo dục con trẻ trở nên sáng tạo hơn. Nhìn lại quá trình giáo dục của chính mình, tôi thực sự thích thú và tận hưởng một vài lớp học khi giáo viên cho cơ hội làm những điều tiếp thêm sức mạnh cho đam mê của mình. Và khi bạn tìm thấy thế mạnh của mình, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ như dễ dàng hơn bởi vì bạn trở nên tự tin hơn, và có thái độ sống khác so với trước khi tìm được thế mạnh của mình.
Hiện nay những tài năng cá nhân gần như bị gạt ra ngoài lề và do đó, nhiều người gần như bị tách biệt ra khỏi toàn bộ quá trình giáo dục. Sự thật là mọi người hoạt động tốt hơn khi họ tiếp xúc với những thứ truyền cảm hứng cho họ. Đối với một số người, đó là thể dục dụng cụ; đối với một số người, đó là chơi nhạc blues; và đối với một số người, đó là cảm giác vui sướng khi giải được một bài tập Đại Số.
Chúng tôi biết điều này bởi vì văn hóa nhân loại rất đa dạng và phong phú - nhưng hệ thống giáo dục của ta ngày càng trở nên buồn tẻ và đơn điệu.
Không có gì ngạc nhiên đối với tôi khi có rất nhiều trẻ em đang dần rời khỏi hệ thống này. Ngay cả những người ở lại cũng thường cảm thấy bị gạt ra ngoài lề. Chỉ một số người được hưởng lợi từ quá trình này, nhưng con số này quá ít để biện minh cho sự lãng phí trong nền giáo dục.
Mọi người thường gắn sự sáng tạo với các cá nhân riêng lẻ. Nhưng có khía cạnh xã hội/cộng đồng nào đối với sự sáng tạo trong thế kỷ 21 không?
Chắc chắn rồi. Hầu hết tư duy ban đầu đến từ sự hợp tác và thông qua việc kích thích ý tưởng của người khác. Ngay cả những người thích sống một mình — như các nhà thơ cô độc hay những nhà phát minh đơn lẻ với những ý tưởng từ garage của mình— cũng lấy cảm hứng từ những nền văn hoá, và bị ảnh hưởng bởi tâm trí và thành tựu của người khác. Thực tế là hầu hết các quy trình sáng tạo đều được hưởng lợi rất nhiều từ sự hợp tác. Những bước đột phá trong khoa học luôn được hình thảnh bởi một số hình thức hợp tác giữa những người có chung sở thích nhưng có cách suy nghĩ rất khác nhau.
Đây là một kỹ năng tuyệt vời mà chúng tôi phải phát huy và dạy — kỹ năng hợp tác và hưởng lợi từ sự đa dạng hơn là thúc đẩy tính đồng nhất. Hiện tại, chúng tôi đang gặp phải một vấn đề lớn — giáo dục đang bị chi phối bởi văn hóa thi cử chuẩn hóa, bởi quan điểm lỗi thời về trí thông minh và một chương trình hạn hẹp, đến mức giáo dục đang dập tắt một số kỹ năng và quy trình cơ bản cần thiết để con trẻ có thể sáng tạo.
Hãy lấy ví dụ của Thomas Edison. Ông là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ với hơn 1.100 bằng sáng chế tại Văn phòng Sáng chế Hoa Kỳ. Nhưng thực ra, tài năng tuyệt vời của Edison là khả năng huy động những người khác bằng cách lập ra nhiều nhóm với các chuyên môn khác nhau để cùng ông đưa ra kế hoạch. Họ đưa ra cho mình những mục tiêu rõ ràng và thời hạn chặt chẽ, đồng thời cố gắng hết mình để cùng làm việc nhóm một cách hiệu quả.
Vì vậy, tôi cho rằng sự hợp tác, tính đa dạng, kỹ năng trao đổi ý tưởng và cải tiến dựa trên thành tựu của người khác là trọng tâm của quá trình sáng tạo. Một nền giáo dục chỉ tập trung vào cá nhân đơn lẻ nhất định sẽ không thể giúp các con hiểu được những kỹ năng nói trên.
Vậy ta có thể dạy sáng tạo được không?
Có chứ. Nhưng mọi người nghĩ rằng họ không thể dạy nó bởi vì chính họ cũng không hiểu nó. Họ nói, "Chà, tôi không hẳn là người cực kỳ sáng tạo, nên tôi không thể dạy người khác được."
Nhưng thực tế có hai cách nghĩ về việc dạy sáng tạo. Trước hết, chúng ta có thể dạy các kỹ năng chung về tư duy sáng tạo, giống như cách chúng ta có thể dạy mọi người đọc, viết và làm toán. Một số kỹ năng cơ bản có thể giải phóng cách mọi người tiếp cận vấn đề — chẳng hạn như kỹ năng tư duy phân nhánh, một tư duy khuyến khích sự sáng tạo thông qua việc sử dụng phép so sánh, phép ẩn dụ và tư duy hình ảnh.
Trước đây, tôi từng làm việc với một nhóm điều hành của một cộng đồng người Mỹ bản địa. Họ muốn tôi chỉ họ cách để thúc đẩy sự đổi mới trong bộ tộc của mình. Trong 1 tiếng đầu tiên, chúng tôi chỉ ngồi quanh một chiếc bàn tròn, và tôi đoán họ mong đợi tôi lấy một số đồ thị hay số liệu ra và chỉ cho họ các kỹ thuật cần thiết. Chúng tôi xem qua một chút số liệu, nhưng những gì tôi thực sự bắt họ phải làm là chia thành các nhóm và vẽ những bức tranh miêu tả một số thách thức mà họ phải đối mặt với tư cách là một cộng đồng.
Chà, giây phút mà bạn khiến mọi người suy nghĩ trực quan — qua việc vẽ tranh hoặc di chuyển thay vì ngồi và viết gạch đầu dòng — căn phòng dường như thay đổi hoàn toàn. Tôi chia họ thành nhiều nhóm để họ không ngồi mãi ở một cái bàn và khiến họ làm việc với những người mà họ thường không ngồi cùng. Vì vậy, chúng ta có thể dạy người khác những kỹ năng giúp họ đưa ra suy nghĩ của riêng mình, cũng như biết tôn trọng những ý kiến khác biệt trong phòng.
Nhưng ngoài việc dạy những kỹ năng đó, ta cần xem xét cả tính sáng tạo cá nhân. Mọi người thường đạt được năng suất tốt nhất của riêng họ khi họ kết nối một cách hào hứng với một phương tiện hoặc những vật liệu, quy trình cụ thể.
Cuốn sách mới của tôi, The Element, nói về việc tìm kiếm niềm đam mê của mình. Tôi đã nói chuyện với nhiều người — vận động viên thể dục dụng cụ, nhạc sĩ, nhà khoa học, một nữ vận động viên bi-a tuyệt vời. Cho dù đó là âm nhạc, jazz hay cú nhảy ba bước, mỗi người trong số họ đều tìm thấy thứ gì đó mà họ cho rằng mình có năng khiếu cá nhân. Khi ta kết hợp năng khiếu cá nhân với niềm đam mê mãnh liệt, thì tự dưng sáng tạo sẽ đến với chính ta. Bạn biết đấy, Eric Clapton được tặng cây đàn guitar đầu tiên của anh ấy cùng thời điểm với tôi. Chà, cây đàn có sức ảnh hưởng với Eric theo một cách mà tôi hoàn toàn không có được. Anh ấy hiểu âm nhạc, nhưng thành công của Eric Clapton là sự cộng hưởng của năng khiếu cùng niềm đam mê lớn lao.
Nếu sự sáng tạo và đổi mới là quan trọng như vậy, ta nên sử dụng những thước đo đánh giá nào?
Chúng ta khó có thể đánh giá mọi người là sáng tạo hay không một cách khách quan, bởi họ phải làm điều gì đó, hoặc có ý tưởng gì đó để sáng tạo. Trong một lớp Toán, khi bài giảng khuyến khích bạn tìm kiếm những cách tiếp cận mới, thử những cách tư duy mới, thì tất nhiên bạn có thể bắt đầu đánh giá mức độ sáng tạo và trí tưởng tượng trong khuôn khổ toán học như chúng ta vẫn luôn làm trong khuôn khổ của âm nhạc hoặc khiêu vũ hoặc văn học.
Tôi phân biệt giữa dạy sáng tạo và dạy vì sáng tạo. Giảng dạy sáng tạo có nghĩa là giáo viên sử dụng kỹ năng sáng tạo của chính họ để làm cho các ý tưởng và nội dung thú vị hơn. Một số giáo viên tuyệt vời mà chúng tôi biết thực sự rất sáng tạo vì họ tìm ra cách kết nối những gì họ đang dạy với điều mà học sinh quan tâm.
Nhưng ta cũng không thể bỏ qua việc giảng dạy vì sự sáng tạo, nơi phương pháp sư phạm được thiết kế để khuyến khích người khác suy nghĩ sáng tạo. Bạn khuyến khích trẻ thử nghiệm, đổi mới, chứ không cho chúng tất cả các câu trả lời. Hãy cung cấp cho các con những công cụ cần thiết để tự mình tìm câu trả lời, hoặc để khám phá những con đường, cách tiếp cận mới. Trong các môn học cụ thể, thầy cô hoàn toàn có thể nói rằng, "Thầy Cô muốn con tìm hiểu những cách cũ và mới để tiếp cận những vấn đề này."
Một câu hỏi lớn được nhiều người quan tâm là: “Liệu chúng ta có nên chấm điểm cho sự sáng tạo hay không”. Chắc chắn rằng những người làm giáo dục như chúng ta nên ghi nhận sự độc đáo, khuyến khích nó và đưa ra một số cách để các con suy ngẫm về việc liệu những ý tưởng mới này có hiệu quả hơn những ý tưởng hiện có hay. Nhưng cuối cùng bạn không thể đưa mọi thứ thành một con số, và tôi không nghĩ chúng ta nên làm như vậy. Đó là một phần của vấn đề trong nền giáo dục hiện tại, nơi mà những con số điều khiển mọi thứ.
Văn hóa thi cử chuẩn hóa đã khiến tất cả chúng ta tin rằng nếu ta không thể định lượng nó, nó sẽ không được tính. Trên thực tế, trong mọi phương pháp tiếp cận sáng tạo, một số thứ ta đang tìm kiếm rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để định lượng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không quan trọng. Khi tôi nghe mọi người nói rằng, "Đương nhiên là ta không thể đánh giá sự sáng tạo," tôi chỉ thầm nghĩ rằng, "Ta có thể đó, nếu mình dừng lại và suy nghĩ về nó."
Lược dịch: IEG Foundation
Comments