Khái niệm "Tư duy phân nhánh" (divergent thinking) được phát triển bởi nhà tâm lý học Joy P. Guilford vào năm 1956. Tư duy phân nhánh là phương pháp giúp người học nhìn nhận vấn đề hoặc khái niệm từ nhiều góc độ khác nhau, đồng thời thúc đẩy quá trình tạo nên những phương án khả thi. Phát triển tư duy phân nhánh cũng chính là cách thúc đẩy năng lực sáng tạo và sự đổi mới nơi người học. Hãy cùng IEG Foundation tìm hiểu về tư duy phân nhánh ở bài viết này nhé!
Tư duy phân nhánh là gì?
Tư duy phân nhánh (divergent thinking) là quá trình tạo ra thật nhiều ý tưởng mới, với mục đích tối đa hóa số lượng các giải pháp hoặc các đáp án tiềm năng. Tư duy phân nhánh thường là bước đầu tiên trong quá trình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Đây là thời điểm học sinh có đủ không gian và sự tự do để khám phá những ý tưởng mới lạ, đi ra ngoài khuôn phép, thử nghiệm và mạo hiểm, đào sâu vấn đề, thoát khỏi những ranh giới truyền thống hoặc những niềm tin cố hữu.
Thông thường, tư duy phân nhánh bao gồm việc động não (brainstorm), thu thập các ý tưởng ngẫu nhiên và liên hệ chúng theo từng chủ đề, cũng như tăng cường mở rộng mạng lưới ý tưởng. Nối tiếp giai đoạn này thường là quá trình tư duy hội tụ (convergent thinking): người học kiểm nghiệm và chắt lọc từ những ý tưởng đã thu thập bằng cách cân nhắc những giới hạn và tính khả thi, so sánh ưu điểm và nhược điểm, và đánh giá tính khả dụng của từng ý tưởng.
Như vậy, tư duy phân nhánh nới lỏng và mở rộng ý tưởng, còn tư duy hội tụ thu hẹp và sàng lọc chúng để xác định bước tiếp theo.
Tư duy phân nhánh nên được khuyến khích bởi vì nó:
Mở ra các cách sáng tạo hơn để giải quyết các vấn đề phức tạp. Người học thường có xu hướng làm việc với những khuôn khổ có sẵn từ ấn tượng ban đầu hoặc những giả định ngầm.
Khơi dậy khả năng thấu cảm và tôn trọng với những điều khác biệt.
Nuôi dưỡng tính tò mò của người học, khuyến khích người học thử nghiệm, chấp nhận rủi ro, kiên trì vượt qua thất bại, và thể hiện bản thân.
Phát triển năng lực sáng tạo, một trong những kỹ năng có nhu cầu và được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng
03 nguyên tắc để phát triển tư duy phân nhánh ở người học:
Định hình và điều hướng:
Chọn một chủ đề, vấn đề hoặc câu hỏi mở (ví dụ: Điều gì không xảy ra như mình mong muốn? X đã thay đổi như thế nào? Tại sao X lại thay đổi? Sự thay đổi đó ảnh hưởng đến ai? X có thể được tận dụng theo những cách nào? v.v.).
Yêu cầu học sinh tự mình lên ý tưởng trước để kích thích tư duy, sau đó mới chuyển sang hoạt động nhóm.
Hướng dẫn và khuyến khích học sinh tập trung vào số lượng thay vì chất lượng trong giai đoạn đầu.
Giúp người học hiểu rằng tư duy phân nhánh là việc tạo ra các lựa chọn (create choices), còn tư duy hội tụ là việc quyết định lựa chọn nào (make choices). Người học không nên thực hành tư duy hội tụ trong quá trình thực hành tư duy phân nhánh.
Khuyến khích sự mạo hiểm và đột phá
Ghi nhận trí tò mò của người học và khen ngợi những ý tưởng độc đáo của từng cá nhân. Ví dụ: nhắc tên học sinh đưa ra ý kiến, chẳng hạn như “giải pháp của Phương” hoặc “câu hỏi của Duy”).
Nhấn mạnh rằng không có giới hạn hay rào cản nào trong giai đoạn thực hành tư duy phân nhánh. Người học có thể thoải mái sáng tạo với những ý tưởng không-bình-thường hoặc vượt ngoài khuôn khổ.
Ủng hộ những điều khác lạ và nhắc nhở người học rằng đôi khi các giải pháp tốt nhất lại đến từ những ý tưởng bất ngờ.
Tạo môi trường cởi mở và an toàn cho mọi ý tưởng
Đảm bảo một môi trường học mà ở đó không có câu trả lời sai trong quá trình thực hành tư duy phân nhánh.
Tránh xa mọi phê phán và đánh giá. Thầy cô nên hướng dẫn và khích lệ khi các con gặp khó khăn trong việc hình thành ý tưởng.
Cổ vũ tinh thần học tập, rằng một vấn đề có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau bởi mọi người, từ đó tạo ra các góc nhìn đa chiều và nguồn ý tưởng phong phú hơn.
Tạo cơ hội để tất cả người học có thể bày tỏ quan điểm cá nhân. Thầy cô có thể cho học trò viết ra ý tưởng của mình. Điều này giúp ý tưởng không bị lãng quên và giúp người học tập trung vào việc lắng nghe khi đang chia sẻ theo nhóm.
Một số hoạt động kích hoạt tư duy phân nhánh
Sử dụng bản đồ tư duy (Mind-mapping)
Thực hành với bản đồ tư duy sẽ phù hợp với những tiết ôn tập và review cuối buổi học. Bản đồ tư duy sử dụng những cụm từ ngắn hoặc từ khóa và hệ thống đường/mũi tên liên kết để thể hiện sự liên hệ giữa các ý tưởng. Hoạt động này giúp tăng cường khả năng ghi nhớ cũng như giúp người học hệ thống nội dung học tập một cách hiệu quả.
Quy tắc 6-3-3
(Dành cho các hoạt động hoặc bài tập nhóm) Học sinh sẽ hoạt động theo nhóm tối đa 6 người; mỗi người sẽ viết ra 3 ý tưởng ra giấy trong vòng 3 phút. Sau đó, các con trao đổi giấy với nhau, đọc ý tưởng bạn mình đã viết và bổ sung thêm 3 ý tưởng nữa. Sau khi hoàn thành, cả nhóm cùng trao đổi và thống nhất về bước làm tiếp theo.
Hoạt động này cho phép các học sinh thiếu dạn dĩ hơn trình bày ý tưởng của mình bằng cách viết, cũng như giúp tất cả mở rộng suy nghĩ sau khi có gợi ý từ những ý tưởng của bạn mình.
Tư duy đảo ngược (reverse brainstorming)
Hoạt động này yêu cầu người học suy nghĩ về những cách khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn. Thầy cô đưa ra một thử thách hoặc vấn đề, sau đó dành ra 5 phút để các con nghĩ về những cách vấn đề có thể đi sai hướng (ví dụ về câu hỏi: đâu là những cách tiếp cận sai lầm khi bắt đầu xử lí vấn đề này?). Sau đó, các con có thể giải thích tại sao ý tưởng của mình lại khiến vấn đề trở nên rắc rối hơn.
Thông qua cách này, người học có thể nhìn ra những rào cản chưa được tính tới và tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề đó.
____________________________
Nguồn tham khảo:
[1] How to Teach: Divergent Thinking, ctl.utexas.edu/sites/default/files/TeachingGuide_HowtoTeachDivergentThinking.pdf. Accessed 25 Dec. 2024.
[2] Beachboard, Cathleen. “5 Techniques to Promote Divergent Thinking.” Edutopia, George Lucas Educational Foundation, 12 Apr. 2023, www.edutopia.org/article/divergent-thinking-fosters-creativity.
Yorumlar