top of page
trungnguyen9

Sự nghiệp - Nhận nhiều định hướng có giúp Con bớt hoang mang?


Câu hỏi muôn thuở mà nhiều đứa trẻ con thường đón nhận với sự mơ hồ và sau này, khi trở thành người lớn, chúng lại tiếp tục hỏi những đứa trẻ con khác, là gì?


Con muốn làm gì khi lớn lên?

Khi còn nhỏ, đó là câu hỏi tôi ghét nhất.


Tôi ngại những cuộc trò chuyện với người lớn vì họ luôn hỏi tôi điều đó - và cho dù tôi có trả lời thế nào cũng chẳng khiến họ vừa lòng. Khi tôi nói rằng tôi muốn trở thành một siêu anh hùng, mọi người đều cười một cách chế nhạo. Mục tiêu tiếp theo của tôi là trở thành vận động viên nhà nghề NBA*, nhưng dù có cố gắng bao nhiêu, tôi vẫn bị loại khỏi các buổi tuyển chọn bóng rổ ở trường trung học. Ba năm liên tiếp. Có lẽ tôi đã nhắm mục tiêu quá cao và mơ mộng thật viển vông.


(*NBA: National Basketball Association - Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia của Mỹ)



Khi học trung học, tôi vô cùng yêu thích môn nhảy cầu kết hợp lặn và tôi muốn trở thành huấn luyện viên của bộ môn này. Nhưng lần này, họ lại bảo rằng mục tiêu này quá thấp. Trong học kỳ đầu tiên ở đại học, tôi quyết định học chuyên ngành tâm lý, nhưng điều đó không mở ra bất kỳ một cơ hội nào cho tôi — không những thế, chuyên ngành đặc thù này còn khiến tôi phải khép lại một vài cánh cửa. Tôi biết bản thân không muốn trở thành một nhà tâm lí trị liệu (vì tôi không đủ kiên nhẫn) hay một bác sĩ tâm thần (vì sẽ rất khó khăn để vào trường Y). Ngày qua ngày, tôi trở nên mất định hướng, và tôi ghen tị với những người có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.



Định hướng hình ống (tunnel vision) che khuất những cơ hội khác.


Tất cả chúng ta đều vẽ nên một hình mẫu của bản thân trong tương lai và hy vọng hình mẫu ấy sẽ nói cho ta biết cách kiểm soát cuộc sống.


Hình mẫu này không gói gọn trong hai chữ “sự nghiệp”; mà ngay từ khi còn nhỏ, ta đã tưởng tượng rất nhiều về ngôi nhà ta sẽ xây, ngôi trường ta sẽ theo học, người mà ta muốn kết hôn, và cả những đứa con của mình. Điểm tốt là những suy nghĩ này giúp ta dũng cảm thiết lập những mục tiêu táo bạo và hướng dẫn ta theo đuổi mục tiêu ấy.


Nhưng những kế hoạch/tưởng tượng này cũng tạo nên nhiều rào cản. Chúng dễ tạo ra góc nhìn hạn hẹp - những định hướng hình ống (tunnel vision), hay nói cách khác, chúng dễ làm ta nhận định phiến diện trước những cơ hội khả thi khác. Chúng ta hoàn toàn không biết liệu thời gian và hoàn cảnh có thay đổi theo những gì chúng ta dự tính, hay liệu hình mẫu mà chúng ta muốn trở thành có mãi mãi như vậy trong tương lai.



Khác với những cuộc chạy đua, đích đến của cuộc đời (bao gồm sự nghiệp) không bất biến mà có thể thay đổi trước thời gian và các yếu tố ngoại cảnh khác. Vậy nên, con đường chính xác để đến một cái đích sai là “đóng khung” cái đích ấy từ quá sớm với quá ít tính linh động.



Đừng hỏi con trẻ muốn làm gì khi lớn lên.


Việc hỏi về một nghề nghiệp cụ thể trong khi Con chưa hiểu rõ bản thân có thể dẫn đến cái mà các nhà tâm lý học gọi là “căn tính nhận sẵn” (Identity Foreclosure). Khi chúng ta quyết định quá sớm căn tính của bản thân mà chưa cân nhắc đủ kỹ lưỡng các lựa chọn khác, ta sẽ tự mình “đóng chặt” mọi khả năng về những cơ hội khác mà ta chưa khám phá.

Nguồn hình: https://characterlab.org/tips-of-the-week/career-paths/

Khi lựa chọn nghề nghiệp, việc áp đặt căn tính thường bắt đầu khi người lớn hỏi trẻ em: Con muốn làm nghề gì khi lớn lên?


Đưa ra câu hỏi đó sẽ khuyến khích một kiểu tư duy cố định về sự nghiệp và bản thân. Michelle Obama từng nói rằng:

Tôi cho rằng đó là một trong những câu hỏi vô dụng nhất mà người lớn có thể hỏi một đứa trẻ. “Con muốn làm gì khi lớn lên?” ư? Câu hỏi như thể cho rằng việc lớn lên là có giới hạn ấy. Như thể sẽ có một lúc nào đó tất cả chúng ta sẽ phải trở thành một điều gì đó, và thế là hết.


Hãy hỏi trẻ muốn trở thành người như thế nào.


Đừng hỏi con muốn làm gì, mà thay vào đó hãy hỏi:


Con muốn trở thành người như thế nào?

Thay vì cố gắng thu hẹp các lựa chọn của con trẻ, hãy cho trẻ cơ hội mở rộng và tiếp xúc với mọi khả năng. Con không nhất thiết phải bó buộc mong đợi của mình vào một nghề nghiệp cố định — vì con thật sự còn rất nhiều điều có thể làm và đang đợi chờ được khám phá trong tương lai.


*Bài viết được Character Lab trích dẫn từ cuốn sách mới nhất của Adam Grant, “Think Again: The Power of Knowing What You Don’t Know” (tạm dịch bởi IEG Foundation: “Sức mạnh của việc nhận biết rằng mình không biết cái gì”)



 

Kết:

  • Bó hẹp một đáp án nghề nghiệp từ nhỏ không phải cách duy nhất để định hướng tương lai cho Con. Việc này có thể khiến Con bỏ qua những cơ hội phù hợp khác.

  • Đừng hỏi: “Con muốn làm nghề gì khi lớn lên?”

  • Hãy hỏi: “Con muốn trở thành người như thế nào khi lớn lên?”

  • Hãy thử cùng Con định hướng tương lai dựa trên những giá trị quan trọng với Con.

  • Nghề nghiệp có thể thay đổi. Nhưng, khi xác định được những giá trị Con ưu tiên và không thỏa hiệp, Con sẽ định hướng tương lai có kiểm soát hơn (lời của Ban biên tập IEG Foundation dựa trên bài viết).



*Nguồn bài viết: Career Paths - Character Lab

*Biên dịch bởi: IEG Foundation





1 view0 comments

Comments


bottom of page