Làm sao bạn biết những gì bạn biết?
Đó là câu hỏi giáo sư Triết học đặt ra mùa xuân năm 2016, khi tôi chuẩn bị hoàn tất chương trình đại học và bắt đầu làm nghiên cứu sinh mùa hè năm ấy.
Tôi biết thầy đang đang 'dàn trận' để mở bài một lớp học mới.
Bạn nói bạn đang hoàn thành dự án nghiên cứu cuối khoá, tức là đã làm khoa học được một thời gian rồi đúng không?
Vậy, làm sao chúng ta biết những gì bạn đang và sẽ tìm ra trong sự nghiệp nghiên cứu của mình là tri thức khách quan?
Làm sao ta phân biệt được giữa tri thức luận (phương pháp, cách thức con người hệ thống hoá và tiếp cận kiến thức) và bản thể luận (kiến thức mà con người biết)*?
*Ví dụ (ghi chú của ban biên tập): Khi nhìn vào một thành phố, người kiến trúc sư chọn phân tích thành phố đó như thể nó là một hệ thống chồng chéo, kết nối lẫn nhau. Đó là tri thức luận, chọn một góc nhìn, một hướng tiếp cận để tiếp xúc với một bản thể. Tuy nhiên, có người sẽ tranh luận rằng, bản thân thành phố đã là một hệ thống chồng chéo, kết nối lẫn nhau rồi. Vậy, thành phố là một hệ thống là vì tự thân nó như thế (bản thể luận) hay là vì chúng ta chọn nhìn nhận, tiếp cận nó như thế (tri thức luận).
Thử nghiệm thật nhiều để xác định hướng đi
Sau những năm trung học chuyên Toán và Khoa học tại Singapore, tôi đến Duke với định hướng rõ ràng: khoa học tự nhiên. Với lựa chọn đó, nhiều bạn thân hỏi, tại sao lại chọn Mỹ với phương châm giáo dục khai phóng, trong khi tôi biết chính xác mình muốn học gì?
Có lẽ, nhiều câu chuyện giáo dục khai phóng bạn thấy trên báo chí và mạng xã hội hay được kể bởi những người trẻ đang đi tìm bản thân. “Chơi vơi”, “thử nghiệm”, và “đi tìm đam mê”: ta nghe nhiều về những từ khóa như thế. Một trong những đặc trưng của giáo dục khai phóng là điều kiện tốt nghiệp phải bao gồm một số lượng lớp nhất định ở nhiều lĩnh vực.
Ví dụ, giáo trình ở Duke (cho sinh viên không học thành kĩ sư) xác định 5 lĩnh vực kiến thức cùng 6 phương thức tiếp cận tri thức. Sinh viên cần lấy đủ 2 lớp trong mỗi lĩnh vực và mỗi phương thức để tốt nghiệp. Qua đó, những bạn bước chân vào ngưỡng cửa đại học mà chưa rõ mình muốn gì sẽ được thỏa sức trải nghiệm trước khi phải quyết định chuyên ngành vào cuối năm 2.
Còn tôi, một người có may mắn được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học từ những năm trung học, tại sao lại còn lang thang với những tín chỉ nghệ thuật và nhân văn?
Giáo dục khai phóng định hình tôi là một người “có học”, vì giáo dục không phải chỉ đào tạo nghề. Nhờ nó, tôi vẫn có thể tham gia cuộc thảo luận về tâm lý học, bình đẳng giới, hay lý luận điện ảnh mà không quá lạc lõng. Tôi luôn nghĩ, ở bậc Đại học, lấy thêm một lớp cụ thể về “Dược lý của thuốc tác động hệ thần kinh” cũng không tạo ra quá nhiều sự khác biệt. Sự nghiệp của mình đủ dài để ta theo đuổi những chủ đề chuyên sâu đó trong những năm Tiến sĩ, hoặc khi học nghề thành bác sĩ, dược sĩ.
Trong những năm Đại học, trước khi mỗi người phải bận tâm quá nhiều về sự nghiệp, đặt cho mình nền tảng cơ bản ở nhiều lĩnh vực để có thể tự tìm tòi trong phần đời còn lại, đó mới là điều cốt lõi. Nếu không nhờ giáo dục khai phóng, liệu tôi có thể gọi mình là một người “có học”, hay chỉ là một người đã học rất sâu về một môn học nào đó mà thôi?
Giáo dục khai phóng cũng tạo một “bãi đáp” an toàn trong trường hợp sau này tôi… thất nghiệp. Tỉ lệ Tiến sĩ sẽ có vị trí Giáo sư ở Mỹ thật ra rất đáng bi quan. Nếu vài năm nữa tôi có phải rời khỏi “tháp ngà” học thuật này, tôi có thể làm gì cho mình và cho đời khi không thể dùng đến chuyên ngành?
Khi nghĩ đến viễn cảnh ấy, tôi nhớ về nhiều người bạn học của mình, nay đang xây dựng sự nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới. Một cô bạn học Chính sách công, vừa rời vị trí tư vấn chiến lược kinh doanh cho hãng hàng không American Airlines để nhảy sang truyền thông đại chúng. Một anh bạn khi xưa theo Khoa học thần kinh, giờ làm việc cho tập đoàn Amazon. Một bạn khác, cũng chuyên ngành Hóa với mình ngày xưa, giờ liên tục bay đi công tác mỗi tuần cho công việc bất động sản.
Trong thế giới nhiều biến động, kiến thức “cứng” đôi khi phải nhường bước cho kỹ năng “mềm”
Trong thế giới phẳng nhiều biến động hiện nay, kiến thức “cứng” đôi khi phải nhường bước cho kỹ năng “mềm”. Giáo dục khai phóng buộc bạn phải va chạm với nhiều thử thách, qua đó trang bị những kỹ năng có thể áp dụng trong nhiều trường hợp, để lỡ cuộc đời có đưa đẩy bạn đến một ngã rẽ lạ, bạn sẽ không phải bắt đầu lại từ số không.
Nói đâu xa, kĩ năng hành văn trang trọng nhưng thu hút, kỹ năng diễn thuyết mạch lạc, hay kỹ năng thiết kế đồ họa mà tôi từng rèn luyện khi có lần “dạo chơi” với quan hệ truyền thông, nay lại cho tôi một lợi thế trong quá trình đào tạo nghiên cứu sinh thời hiện đại!
Học Hóa trong căn bếp, không có bài thi viết cuối khóa
Sau cùng, giáo dục khai phóng đã cho những năm tuổi trẻ của tôi có nhiều sắc màu hơn. Một trong những trải nghiệm thú vị nhất của tôi là một lớp Hóa chỉ 15 người hồi năm nhất. Cũng là hóa-lý đấy, nhưng học trong nhà bếp với lớp “Nền tảng khoa học của việc nấu ăn” thì độc đáo hơn bội phần! Mỗi tuần, chúng tôi đọc sách về những biến đổi khi nấu chất đạm ở nhiệt độ cao, về phản ứng trùng ngưng khi làm sợi mì Ý từ hạt đậu xanh Nhật Bản, hay về tính truyền nhiệt của thịt khi làm món bò Wellington đút lò. Rồi cả lớp sẽ vào bếp để thử nghiệm nhiều công thức khác nhau.
Lớp không có bài thi viết cuối khóa: Thay vào đó, từ những kiến thức tổng hợp đã có, mỗi người sẽ lên ý tưởng và thực hiện một món ăn cho buổi thuyết trình cuối cùng. Buổi thuyết trình diễn ra tại một nhà hàng trong trung tâm thành phố, và đó là lần đầu tiên tôi được làm việc trong một nhà bếp chuyên nghiệp.
Bốn năm cùng giáo dục khai phóng của tôi đầy những trải nghiệm đáng nhớ và bổ ích như vậy, mà nếu tôi học thành dược sĩ hay kĩ sư hóa dầu chẳng hạn, ắt hẳn khó có thể trải nghiệm.
Câu hỏi Giáo sư đặt cho tôi trong giờ học Triết năm nào là một trong nhiều khoảnh khắc va chạm giữa chuyên môn khoa học và nền tảng triết học đằng sau những gì tôi sẽ theo đuổi trong sự nghiệp của mình. Câu hỏi ấy đại diện cho sự giao thoa của giáo dục khai phóng, khi khoa học và nhân văn song hành cùng nhau để định hình những người trẻ có học, có văn hóa, có đạo đức, có suy nghĩ sâu sắc, có kĩ năng linh hoạt, và có một thế giới quan không bị bó hẹp trong một khuôn khổ nào.
Nếu không phải vì giáo dục khai phóng, cách tôi suy nghĩ và tiến hành khoa học thực nghiệm có lẽ sẽ khác nhiều. Nếu không phải vì giáo dục khai phóng, tôi có là sẽ là một con người khác nhiều.
Tác giả:
Nguyễn Vũ Phúc Thụ
Duke University, Niên khoá 2016
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Baylor College of Medicine và University of Illinois at Urbana - Champaign
*Đọc thêm:
Comments