top of page

Sinh viên đại học khai phóng tại Việt Nam nói gì?

trungnguyen9

Có thể cụm từ "đại học khai phóng" vẫn còn cho chúng ta cảm giác về một loại trường học chỉ tồn tại ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Bài viết này gửi đến bạn đọc tiếng nói của 03 sinh viên theo học một trường đại học khai phóng tại nước ta - Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).


Khuôn khổ 03 góc nhìn này có thể chỉ gói gọn phản ánh về 01 ví dụ - do đó không có tính khái quát hay đại diện cho tất cả các đại học khai phóng tại Việt Nam, nhưng hoàn toàn có thể nhận vai trò là một xuất phát điểm để bạn đọc hình dung rõ hơn về đại học khai phóng tại nước ta qua lăng kính của chính người trong cuộc - những sinh viên đang theo học tại đấy.


 

Liberal Arts: Nhà là nơi trái tim ở đó.

‘‘Tôn sư trọng đạo" - nét văn hóa đẹp ở học đường Việt Nam - đôi khi khiến học sinh ngần ngại thể hiện ý kiến, dẫn đến khoảng cách giữa thầy và trò. Nhưng, ở Fulbright - môi trường giáo dục khai phóng đầu tiên tại Việt Nam, mối liên kết giữa giảng viên và sinh viên luôn rất chặt chẽ. Sự gần gũi này đến từ việc quan điểm của sinh viên luôn được giảng viên trân trọng và lắng nghe.

Ở Fulbright, các giảng viên khuyến khích sinh viên đưa ra và bảo vệ quan điểm. Theo họ, không có quan điểm sai và mỗi ý tưởng của sinh viên đều đáng được ghi nhận. Những câu nói đầy chân thành như: ‘‘That’s a great idea’’ hoặc ‘‘Please share’’ khiến chúng tôi biết suy nghĩ của mình được đón nhận, từ đó mạnh dạn chia sẻ nhiều hơn. Thậm chí, họ còn giục sinh viên ‘‘cãi’’ lại quan điểm họ đưa ra. Các cuộc tranh luận sôi nổi giữa giáo viên và sinh viên là đặc sản của khóa học Rhetoric (Tranh biện). Việc gửi góp ý về các tiết học của giảng viên đã chẳng còn là điều xa lạ. Cô Pam sẵn sàng gián đoạn tiến trình khóa học hè Bridge để dành một ngày riêng cho các sinh viên chia sẻ cảm nhận của mình và điều các bạn thực sự muốn làm tiếp theo.

Sự tương tác giữa thầy trò không chỉ gói gọn trong giờ học. Rất dễ bắt gặp những cuộc trò chuyện thân thiết giữa giáo viên và sinh viên ở Fulbright. Giảng viên sẽ không bao giờ lướt qua bạn mà không gửi lại những lời hỏi thăm, hết sức bâng quơ nhưng lại giúp sinh viên cảm thấy gắn kết với thầy cô hơn bao giờ hết.


Nguồn: dribbble.com - Bea Vaquero (click vào hình để truy cập ảnh gốc)

Không chỉ thế, giảng viên Fulbright thường chủ động đề nghị giúp đỡ sinh viên. Mỗi giảng viên sẽ là cố vấn cho một nhóm sinh viên từ 3 tới 4 người. Hàng tuần hoặc hàng tháng, cố vấn sẽ sắp xếp những cuộc hẹn với sinh viên để hỏi thăm tình hình học tập, các dự án và sức khỏe tâm lý của sinh viên. Khi các bạn ‘‘tắc tị’’ với định hướng nghề nghiệp hoặc gặp áp lực về tinh thần, họ luôn đưa ra những lời khuyên chân thành và thiết thực. Thú vị nhất là đôi khi hết sức ngẫu hứng, những cuộc ‘‘tám chuyện’’ quanh bàn trà sữa bắt đầu từ việc cố vấn tình cờ bắt gặp các bạn sinh viên đâu đó quanh trường và hỏi:

Thầy căng thẳng quá, đi trà sữa không?

‘‘Trường học là ngôi nhà thứ hai của em’’ là câu văn ‘‘ruột’’ của tôi khi kể về trường học. Nhưng có lẽ, chỉ đến khi bước vào cánh cửa Fulbright, nó mới trở thành một câu văn có hồn. Với tôi, Fulbright thật sự là ngôi nhà thứ hai bởi tôi đã tìm thấy những người bạn đồng hành đáng tin cậy và ấm áp nhất ở nơi đây: các giảng viên của mình.


Tác giả: Đan Tâm

 

Biết (Know) - Làm (Do) - Ý thức (Be)


Fulbright có những khóa học bắt buộc sinh viên phải tham gia, dù thích hay không. Mình khá e ngại sự “cưỡng bức” này, bởi mình nghĩ kỹ sư chẳng lý gì phải bận tâm những lĩnh vực khác. Thầy cô bảo phải thử nhiều lĩnh vực mới biết ngành học nào mình có thể theo đuổi. Mình không mặn mà mấy nhưng vẫn thử.


Mình chỉ thấm thía lời thầy cô sau khóa “Sáng tạo và Kiến tạo” (môn nền tảng cho sinh viên kỹ thuật), nhận ra mình chỉ NGHĨ là mình có thể học kỹ sư, chứ chẳng hề BIẾT là mình... không hợp làm kỹ sư. Đó chính là chữ “KNOW” trong mục tiêu giáo dục của trường: không chỉ biết kiến thức, mà còn phải biết rõ bản thân mình.


Khó chịu hơn là ở Fulbright, mình bị hỏi đi hỏi lại rằng:

Biết như vậy rồi thì sẽ làm gì?

Ở đây, chỉ tiếp thu kiến thức thôi chưa đủ. Kiến thức đó phải dùng để kiến tạo một điều gì đó mới mẻ: sản phẩm, ý thức, hoặc thay đổi bản thân mình. Sau mỗi bài học, thầy cô thường hỏi nội dung sẽ được áp dụng như thế nào; sau khi sửa bài, thầy cô sẽ hỏi cách khắc phục cho lần tới như thế nào. Đó là “DO”, mục tiêu giáo dục cốt lõi tiếp theo tại Fulbright: học không chỉ dừng lại ở tiếp thu kiến thức, mà là sử dụng chúng ra sao.


Phương pháp giảng dạy ở Fulbright giúp mình trau dồi một thái độ tích cực đối với việc học. Cụ thể là các thầy cô thường giao những bài đọc dài và phức tạp thay vì thuyết giảng; điều này giúp mình tự đưa ra kết luận trước khi nghe những điều thầy cô đúc kết; theo mình, đó chính là thể hiện sự tôn trọng kiến thức và hiểu biết của sinh viên và cho phép sinh viên tự do nghi ngờ mọi thứ họ đang giảng dạy. Có lẽ điều đó là để giúp sinh viên nuôi dưỡng lòng khao khát và hứng thú học tập (ngay cả sau khi ra trường), ý thức về bản thân, cộng đồng, và sẵn sàng đặt lợi ích xã hội lên cả bản thân. Đây chính là mục tiêu giáo dục cuối của trường: “BE”.



Ba mục tiêu “KNOW”, “DO”, “BE” được thể hiện bằng những biểu đồ Venn, với khoảng giao thoa là “SUCCESS” (Thành công) – vừa là lời chúc phúc, vừa là lời hứa hẹn của Fulbright với sinh viên của trường.


Tác giả: Chềnh Phát


 

Ở Fulbright, tụi mình được nhìn nhận như một người toàn vẹn!

Cuối buổi thuyết trình sau một tuần chuẩn bị đằng đẵng, thầy Aaron hỏi tụi mình một câu mà mình nhớ mãi đến giờ, và có thể là đến cả rất lâu sau này nữa:

Tại sao sinh viên lại không tin các thầy cô khi họ khen rằng các bạn xuất sắc, kỹ lưỡng và vô cùng độc đáo? Tại sao các bạn luôn hoài nghi sự tuyệt vời bên trong các bạn?

Phải chăng sự hoài nghi bản thân này là lí do làm chúng ta không tìm được điểm tốt của bản thân khi mà giáo viên có thể dễ dàng chỉ ra chúng?

Có khi sinh viên tụi mình chưa quen với việc cho đi và nhận lại những lời khen. Và giáo viên đã dùng những lời khen đó để gợi tụi mình nhớ lại rằng sâu thẳm bên trong, tụi mình còn vô vàn tiềm năng đang chờ được khai phá. Thầy cô cho rằng tụi mình tuyệt vời không chỉ vì tụi mình thông minh hay hoàn thành tốt mọi bài tập, mà còn là vì tụi mình biết quan tâm, biết sẻ chia, nhường nhịn và biết tự mày mò cách để học tập.

Mục tiêu đào tạo của trường được xây dựng trên nền tảng “Know - Do - Be”, học kiến thức mới, áp dụng vào đời sống và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Vấn đề không nằm ở việc mình sẽ trở thành kỹ sư, doanh nhân hay nhà báo, mà là mình đang giải quyết vấn đề nào của xã hội, những giá trị mình đang đóng góp cho cộng đồng là gì, và làm sao để cải thiện bản thân để trở thành một mảnh ghép “xanh tươi” hơn cho xã hội.


“Hãy xác định nhiệm vụ chứ không phải chuyên ngành” là một trong những bài đọc của tụi mình trong khóa học, những người có một nghề nhất định sẽ làm được những việc nhất định, nhưng những người có nhiệm vụ rõ ràng sẽ biết cách vận dụng kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau để thực hiện nhiệm vụ đó. Tụi mình xuất sắc không phải vì có nhiều điểm A, mà là vì tụi mình không ngừng tìm hiểu về thế giới bên ngoài và cả nội tại bản thân.

Ở Fulbright, giáo viên dạy mình rằng mỗi cá thể đều tuyệt vời theo những định nghĩa khác nhau, và tin vào bản thân chính là bước đầu tiên để trở thành những con người toàn vẹn.


Tác giả: Phương Nhi


*Đọc thêm:

0 views0 comments

댓글


IEG Foundation 

Quỹ phát triển Giáo dục IEG Foundation là một doanh nghiệp xã hội phục vụ cho sứ mệnh lan toả giá trị giáo dục đến gần hơn với tất cả mọi người.

​Đồng hành cùng chúng tôi

Lan toả giá trị giáo dục

Địa chỉ

  • 128 Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội

  • 112 Cao Thắng, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Email

Kết nối

Theo dõi kênh Facebook

  • White Facebook Icon

© 2023 by IEG FOUNDATION. All rights reserved.

bottom of page