Quản lý lớp học trong thời đại số
- IEG Foundation
- Feb 13
- 6 min read
Theo báo cáo của Instructure, trong năm học 2023 - 2024, trung bình các học khu tại Mỹ đã sử dụng 2739 công cụ số trong quá trình dạy và học. Việc sử dụng những công cụ này cũng như tích hợp chúng một cách hiệu quả trong giảng dạy không hẳn là điều dễ dàng. Do đó, trước khi đưa ra quyết định tích hợp các nền tảng công nghệ vào lớp học, thầy cô hãy đảm bảo rằng lớp học đã có đủ các nguyên tắc và nền nếp nhất định.
Sau đây là một số cách các thầy cô có thể chuẩn bị các bước trước khi bắt đầu ứng dụng công nghệ vào trong tiết học.

KHỞI ĐẦU VỮNG CHÃI
Thiết lập quy tắc. Để việc tích hợp công nghệ được hiệu quả, trước tiên chúng ta cần thiết lập nguyên tắc rõ ràng. Trong lớp học STEAM khối 7, cô Megan Ryder - giáo viên lớp ghép - đã chia sẻ về việc tạo ra một thủ tục hàng ngày cho học sinh. “Mỗi ngày tôi đều giơ một tấm poster cho học sinh khi đón các con vào lớp và nói rằng ’Chào buổi sáng! Hãy cất iPad vào đúng chỗ con nhé. Con hãy lấy tập tài liệu của mình, đi vào chỗ ngồi và chuẩn bị cho tiết học sắp tới.’ Việc nhắc nhở học sinh mỗi ngày trông có vẻ thừa thãi, nhưng mục đích của nó là giúp quá trình này được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn và ăn sâu vào mỗi học sinh như một thói quen thường nhật.
Bất kể khối học nào, điều quan trọng thầy cô cần giúp học sinh ghi nhớ là cách sử dụng công nghệ như thế nào thì hợp lý. Thầy cô nên đề cập tới một số vấn đề như:
Cách chăm sóc: cách cầm, nắm hoặc bảo quản các thiết bị.
Cất giữ: các thiết bị nên được lưu trữ ở đâu và thế nào trong lớp.
Mục đích: ý thức rằng các thiết bị công nghệ là công cụ hỗ trợ quá trình học tập, không phải là đồ chơi.
Hệ quả: những điều xảy ra khi thiết bị không được sử dụng hoặc quản lý đúng mực.
Đảm bảo thông tin dễ dàng truy cập. để tránh việc các con trở nên mất tập trung, thầy cô nên sắp xếp một không gian trực tuyến mà ở đó có tất cả những thông tin mà học sinh cần cho tiết học - các đường dẫn, mã QR hay các hướng dẫn liên quan. Giáo viên môn Toán Steven Goldman thường cập nhật Google site về thời gian biểu và mục tiêu của tuần, đồng thời tạo một trang riêng cho mỗi ngày, trong đó lại gồm mục tiêu của buổi học hôm đó, những việc cần làm, bài tập về nhà, các đường dẫn liên quan, và cả slides bài giảng.
Giữ mọi thứ đơn giản, ngắn gọn và linh hoạt. Chẳng hạn, cô Debra Jacoby - giáo viên khoa học máy tính - luôn nhắc lại hướng dẫn ba lần để đảm bảo học sinh đã hiểu. Tuy nhiên, đôi khi chỉ lặp lại thôi vẫn chưa đủ. Nếu học sinh vẫn còn giơ tay lên đặt câu hỏi, điều đó cũng có nghĩa rằng có thể cô đã chưa giải thích rõ ràng hoặc đã chưa khuyến khích các con đủ nhiều trong việc đặt câu hỏi. Cô cũng gợi ý một cách hiệu quả khác: "Nếu con chưa hiểu, con hãy hỏi người bạn cùng bàn trước khi đặt câu hỏi trước lớp. Bởi cả lớp đã được hướng dẫn ba lần rồi”.
Bên cạnh đó, thay vì thị phạm một loạt thao tác liền tù tì, cô Jacoby khuyên rằng thầy cô có thể ngưng một chút và ngắt hướng dẫn thành các phần ngắn hơn để học sinh có thể bắt kịp. Trong quá trình dạy, cô Ryder cũng tạo cơ hội để học trò theo dõi bài học. Cô cũng khích lệ các con rằng, “Nếu con đã biết cách làm rồi, cô tin rằng con thể tự tiếp tục mà không cần đợi hướng dẫn.”
BƯỚC ĐẦU DỊCH CHUYỂN

Thống nhất các tín hiệu giao tiếp. Điều này giúp học sinh ngay lập tức nắm được điều gì cần thực hiện và lý do tại sao. Quy tắc đầu tiên của cô Faubion là khi cô đang nói, học sinh cần tập trung vào cô, và thiết bị của các con cần ở trong chế độ “cá mập” (shark mode - tức gập máy xuống nhưng không đóng hẳn). Đối với Ryder, cô sử dụng cụm từ “mirror on” - khi muốn học sinh nhắc lại lời nói và bắt chước hành động của mình cho tới khi cô nói “mirror off”.
Quản lý thời gian. Thời gian trôi rất nhanh nếu lúc học các con cảm thấy học cũng vui như chơi, dù các con có sử dụng thiết bị hay không. Sử dụng thiết bị báo giờ sẽ giúp các con nắm rõ thời lượng các hoạt động trong buổi học. Một số ứng dụng công nghệ như FigJam có sẵn bộ đếm thời gian; iPad hay hầu hết các thiết bị khác đều có ứng dụng thông báo thời giờ.
Luôn có phương án dự phòng. Việc đường truyền mạng tự dưng bị mất kết nối hoặc thiết bị gặp trục trặc sẽ sẽ không còn là vấn đề đáng lo nếu thầy cô có phương án dự phòng. Thầy cô có thể chuẩn bị một phiên bản không-sử-dụng-công-nghệ (ví dụ: bản ghi chép những hoạt động dự kiến sẽ làm trong buổi học). Nếu không, lớp học rất dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
DUY TRÌ SỰ TẬP TRUNG

Ưu tiên sự sáng tạo (creation) hơn là việc tiêu thụ (consumption). Khi lớp học sử dụng công nghệ, thời điểm học sinh dễ mất tập trung nhất là khi các em sử dụng nó chỉ để tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Máy tính là một công cụ tuyệt vời để nghiên cứu thông tin. Tuy nhiên, nếu đây là cách duy nhất các con thực hành với công nghệ trong lớp học, khả năng cao các con sẽ làm những việc riêng không liên quan tới tác vụ chính. Thầy cô cần trả lời câu hỏi:”Làm thế nào để giúp các con tập trung sử dụng công nghệ cho bài học thay vì cho những công việc không liên quan khác?”
Tích cực tương tác. Nếu thầy cô chỉ giao đề bài rồi lại quay về bàn giáo viên trong suốt buổi học và để các con tự thực hành với máy tính, rất có khả năng học sinh sẽ mất tập trung và làm việc riêng. Ngược lại, nếu thầy cô dành vài phút dạo quanh lớp học để kiểm tra xem các con đang làm gì, khả năng đó sẽ giảm đi.
Một số công cụ quản lý như Apple Classroom cho phép giáo viên quan sát màn hình của tất cả học sinh. Đối với cô Ryder, điều này rất thuận lợi để cô có thể ngay lập tức khen ngợi những học trò đang làm tốt. “Meghan, cô rất thích những gì con đang làm trên Keynote. Chúng ta cùng chia sẻ điều này với cả lớp nhé?”
Kiểm soát nội dung. Đối với các học trò thuộc lứa tuổi nhỏ, thầy cô nên có một số phương án để quản lý những nội dung mà các con có thể truy cập. Thay vì để các con lướt web một cách không kiểm soát, thầy cô nên tạo một môi trường an toàn bằng cách giới hạn các trang web các con có thể truy cập. Chẳng hạn như:”Đây là 08 trang web mà các con có thể truy cập”.
Nhắc nhở hành vi không phù hợp. Thầy cô không nên cảm thấy ngại nhắc nhở các con khi mất tập trung. Đồng thời, thầy cô nên cân nhắc liệu học trò có thực sự mất tập trung và cần chấn chỉnh, hay mình đang quá nghiêm khắc với chúng. Một cách thầy cô có thể làm là tới bàn của học trò đang làm việc riêng và xoay màn hình máy tính sang bên kia hoặc tạm úp máy tính bảng xuống.
Cô Alyssa Faubion - nhà cố vấn giảng dạy - thường hỏi học sinh về lí do khiến các con mất tập trung, đặc biệt nếu điều này trở thành thói quen của chúng. Đối với cô Jacoby, thỉnh thoảng cô sẽ tạm thời tịch thu thiết bị của học sinh liên tục làm việc riêng trong giờ.
Brian Yearling - điều phối viên công nghệ giảng dạy - sẽ đôi lúc yêu cầu học sinh gọi về nhà để thông báo cho ba mẹ về vấn đề mất tập trung liên tục của con. “Tôi sẽ để cho học trò nói chuyện với cha mẹ trước, sau đó sẽ trao đổi thêm với phụ huynh.” Trong một số trường hợp nghiêm trọng, “Tôi đã cho học sinh ngưng sử dụng các thiết bị công nghệ trong ba tuần để lấy lại sự tập trung khi ở trường”.
________________________________
Biên dịch bởi IEG Foundation
Nguồn tham khảo:
Edutopia (Classroom Management in the Tech Era)
Comments