top of page

POGIL: Một phương pháp học tập mới lạ (phần 1)

trungnguyen9

PHẦN 1: SƠ LƯỢC VỀ POGIL

Bài viết được tổng hợp và mang đến cho Quý độc giả từ hội thảo Pioneering Educators Network (PEN) 2021-2022 - đồng sáng lập và đồng tổ chức bởi IEG Foundation & Đại học Fulbright Việt Nam.

I - POGIL (Process-Oriented Guided Inquiry Learning) là gì?


POGIL (đọc trại: Pô-gô) Tạm dịch: “Phương pháp Học Chủ động bằng Thực hành Định hướng” (hiện chưa có cách dịch tên cụ thể cho phương pháp dạy học này, quý độc giả có thể tham khảo cách dịch khác: Học tập dựa vào quá trình tiếp cận chu trình, Học tập hướng theo quá trình dựa vào việc đặt câu hỏi).


POGIL lấy người học làm trung tâm và định hướng cho người học được tự khám phá và xây dựng kiến thức thông qua các hoạt động thảo luận nhóm có định hướng bởi giáo viên. Trong phương pháp dạy học này, người dạy không còn giữ vai trò thuần “cung cấp thông tin”, mà thay vào đó, là định hướng để người học tự xây dựng kiến thức cho riêng mình.


POGIL là một trong những phương pháp học tập đề cao khả năng học chủ động (active learning) – có thể hiểu ngắn gọn là phương pháp học mà người học làm chủ kiến thức của mình từ bước xây dựng cho đến ứng dụng, thay vì thụ động tiếp nhận thông tin từ giáo viên/người dạy.

Tiền thân của phương pháp dạy học POGIL là cách tiếp cận dành cho nhóm ngành khoa học (được phát triển bởi dự án POGIL Project tại Mỹ - website: pogil.org). Tuy nhiên, qua thời gian và các ứng dụng trong dạy học, POGIL ngày nay đã có thể được áp dụng cho học sinh ở nhiều độ tuổi và ở nhiều môn học.


II - Tác động của phương pháp POGIL:

1. Nâng cao năng lực học tập của học sinh:

  • Nhóm nghiên cứu John Farrell, Richard Moog, và James Spencer (1999) khi so sánh điểm kiểm tra của học sinh trước và sau khi được dạy bởi phương pháp POGIL, thì thấy: điểm loại khá tăng vọt, và nhóm điểm yếu cũng giảm mạnh.

  • Nhóm nghiên cứu Suzanne Ruder và Sally Hunnicutt (2008) so sánh điểm kiểm tra của học sinh học theo phương pháp truyền thống và phương pháp POGIL, thì thấy: điểm khá và giỏi của nhóm POGIL nhiều hơn hẳn so với nhóm học sinh học theo phương pháp thầy giảng – trò chỉ nghe.

2. Phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho sự phát triển bản thân của học sinh:

POGIL không chỉ nhắm tới kết quả đo lường được như điểm số, mà còn đặc biệt chú trọng vào quá trình phát triển và nâng cao các kỹ năng mềm cần thiết cho học sinh:

  • Tư duy phản biện

  • Xử lý thông tin

  • Giải quyết vấn đề

  • Nhận định/đánh giá

  • Kỹ năng giao tiếp

  • Kỹ năng làm việc nhóm

  • Kỹ năng quản lý


3. Lưu ý về tần suất sử dụng các hoạt động dạy học theo phương pháp POGIL:

Như đã nêu ở trên, POGIL là một trong số rất nhiều các phương pháp dạy học kích hoạt khả năng học tích cực của học sinh, và vì vậy mà không phải là phương pháp dạy học tối ưu nhất trong mọi trường hợp. Do đó, các thầy cô có thể cân nhắc điều chỉnh tần suất sử dụng POGIL cho phù hợp với mục đích bài giảng và đối tượng học sinh.

Trong một lớp học có thể có nhiều hoạt động theo mô hình POGIL, và đôi khi, trong một số giờ học, các phương pháp khác có thể phù hợp với học sinh hơn POGIL.

III - Cảm nhận của học sinh về phương pháp POGIL:


Năm 2016, một nghiên cứu về cảm nhận của học sinh về POGIL đã được thực hiện. Trong nghiên cứu này, phương pháp phân tích tình huống (case study approach) được áp dụng làm phương pháp nghiên cứu chính và mẫu của nghiên cứu này là các em học sinh lớp 11, môn học được áp dụng cho nghiên cứu là Hóa học.


Kết quả chỉ ra rằng, các em học sinh cảm thấy POGIL giúp bù đắp những khiếm khuyết khi làm việc theo nhóm, việc học nhóm trở nên thú vị hơn vì các em được học và tương tác với nhau. Các em thừa nhận bản thân đã vui hơn trong quá trình học tập và thảo luận với nhau.

Bên cạnh đó, những câu hỏi về tư duy phản biện làm tăng sự tò mò và khuyến khích quá trình tìm hiểu sâu hơn thay vì chờ đợi được cung cấp sẵn thông tin. Quá trình học trở nên lôi cuốn hơn vì không cần phải ghi nhớ quá nhiều thông tin không cần thiết nhờ.


Các em học sinh còn nói rằng POGIL có tác dụng thúc đẩy quá trình học tập hiệu quả. Cụ thể, các em được thêm những chiến lược và kỹ thuật học tập khác nhau, về tính lâu dài của quá trình học hỏi. Ngoài ra, POGIL đồng thời giúp nâng cao sự hứng thú đối với môn học, khuyến khích quá trình tham gia tích cực trong mỗi buổi học, thúc đẩy nỗ lực học tập của học sinh, tạo điều kiện cho sự hợp tác và tìm hiểu kiến thức giữa các em với nhau.


Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cần lưu ý về tần suất sử dụng cũng như tính khả thi của các hoạt động dạy học theo phương pháp POGIL. Kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các em học sinh thừa nhận bản thân đã quen với hệ thống hiện tại (phương pháp truyền thống), và do đó cần thời gian để có thể làm quen với phương pháp học tập mới.


Các em thừa nhận bản thân không quen với công việc nhóm và học tốt hơn theo từng cá nhân. Các em đôi lúc cảm thấy bị làm phiền vì tiếng ồn phát sinh từ các cuộc thảo luận khi phải làm việc nhóm. Ngoài ra, một số học sinh còn lo lắng về khả năng sử dụng POGIL trong các lớp học về lâu dài.


Các nguồn tham khảo thêm:


5 views0 comments

Comments


bottom of page