Nếu trẻ không cảm thấy được tin tưởng - hay nếu không có ai đó ở bên làm điểm tựa - con sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt cảm xúc trong quá trình trưởng thành. Là một người mẹ và một nhà giáo dục, Esther Wojcicki đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn học sinh trong suốt 35 năm trên cương vị một nhà báo và giáo viên tiếng Anh tại trường Trung học Palo Alto ở California, Mỹ. Hai vợ chồng bà đã cùng nhau nuôi dạy ba người con gái rất thành đạt (Susan - cựu CEO của Youtube, Janet - nhà nhân chủng học đạt giải Fullbright kiêm giáo sư - nhà nghiên cứu nhi khoa, và Anne - đồng sáng lập của 23andMe).
Trích từ cuốn sách của mình với tên gọi “How to Raise Successful People: Simple Lessons for Radical Results” (tạm dịch: Nuôi dạy những đứa trẻ thành công: Những bài học đơn giản tạo ra những kết quả đột phá), bài viết này là lời chia sẻ của Esther Wojcicki về tầm quan trọng của sự tin tưởng và cách để người lớn nuôi dưỡng lòng tin nơi con trẻ của mình.
Tất cả những gì bạn cần là một người - một người đủ tin tưởng vào khả năng của bạn. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy như bản thân có thể làm bất cứ điều gì. Thật không may, rất nhiều đứa trẻ, mà điển hình là Michael - học sinh trước đây của tôi, đã không có được một người như vậy trong cuộc đời mình. Michael là Tổng biên tập của Campanile - tạp chí của trường Trung học Palo Alto vào năm 2023. Những khó khăn mà cậu gặp phải cũng chính là tình cảnh của nhiều đứa trẻ khác.
Đối với Michael, những áp lực hình thành từ rất sớm. “Cha mẹ của con rất nghiêm khắc,” cậu thường chia sẻ. Những giáo viên dạy dỗ cậu khi đó cũng không quan tâm lắm. Vì vậy, Michael đã trở nên rất quen thuộc với việc bị hiểu nhầm bởi những người xung quanh. “Con bị khiển trách bởi bạn bè và giáo viên. Họ bảo rằng nếu con tuân thủ luật lệ và tập trung hơn, chắc chắn con sẽ có những kết quả tốt hơn. Cảm giác như bản chất của con người con là một thứ đáng để bị chà đạp và ruồng bỏ; bất cứ điều gì con làm cũng đều biến thành tội lỗi trong mắt người khác.”
Khi vào lớp của tôi, Michael đã tự mô tả bản thân là “hoàn toàn kiệt quệ như một đống tro tàn.” Cậu không còn tâm trí để làm bất cứ việc gì. Kể cả với việc phụ trách tập san của trường, điều duy nhất mang lại ý nghĩa cho cậu, Michael cũng phải đấu tranh nhiều về mặt tinh thần để tiếp tục. Nhưng nhờ vậy mà tôi mới được làm quen với một cậu học trò sáng dạ nhưng lại mất kết nối với mọi người. Michael đến lớp mà không biết bản thân muốn gì hay viết về gì.
Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra với rất nhiều học sinh - các con sợ hãi, nhưng cũng rất nổi loạn. Các con tỏ ra không hợp tác. Thật khó để làm việc cùng những đứa trẻ này và đôi lúc chúng cũng trở nên khá hung hăng. Nhưng điều này xảy ra vì bất kỳ ai trong số chúng cũng đều cảm thấy tệ hại về chính mình. Các con đang cố gắng chứng minh với bản thân, và với những người xung quanh, rằng các con tốt hơn so với những gì mọi người nghĩ. Nhưng sâu thẳm trong chúng lúc nào cũng ẩn chứa nỗi sợ rằng bản thân không đủ.
Vào một trong những đêm sản xuất nội dung, Michael lại phải chật vật với bài tập về lý thuyết âm nhạc. “Con quá mệt mỏi khi làm bài tập này,” cậu nói, “và giờ con chỉ đang làm cho loa qua cho xong chuyện.” Sau khi bị bạn bè trêu đùa, Michael lại càng củng cố suy nghĩ “Đúng vậy, mình không thể làm được.” Chứng kiến điều này, tôi đã đi đến chỗ lũ trẻ và nói rằng, “Michael mất nhiều thời gian hơn vì bạn ấy thông minh.” Tôi biết sâu thẳm trong lòng, Michael muốn thực hiện bài tập một cách chính xác, chứ không đơn giản là làm cho xong.
Đây là lần đầu tiên khả năng của Michael được nhìn nhận và tôn trọng bởi một người lớn. “Việc được ai đó nói rằng họ tin tưởng vào con, ở trước mặt những người không suy nghĩ như vậy, thật là một điều tuyệt vời,” Michael chia sẻ, “Điều đó đã cứu lấy con khỏi việc sụp đổ.”
Ngày hôm đó là một bước ngoặt đối với Michael. Cậu bắt đầu tin tưởng vào bản thân hơn. Mỗi khi gặp phải trở ngại hay có ai đó nói với cậu rằng cậu sẽ không thể làm được, Michael đã tìm thấy sự tự tin ở chính bản thân mình để tiếp tục. Cậu đã tốt nghiệp chuyên ngành Thần kinh học và Đại học John Hopkins và bây giờ đã trở thành một nhà nghiên cứu tâm thần học. Michael đã tìm thấy một người người trao cho cậu sự tin tưởng, và điều này đã thay đổi thế giới của cậu.
Cha mẹ và thầy cô đôi lúc sẽ quên mất vị trí quan trọng của chính mình trong cuộc đời của con trẻ. Chúng ta thực ra có nhiều quyền kiểm soát trong việc hình thành sự tự tin và hình ảnh cá nhân của các con. Tất cả đều bắt nguồn từ sự tin tưởng, từ việc tin rằng một đứa trẻ có đủ khả năng, bất kể mọi biến cố và trở ngại bủa vây trong quá trình trưởng thành.
Sự tin tưởng hoạt động hai chiều. Mức độ tin tưởng con dành cho cha mẹ cũng sẽ phản ánh khả năng tin tưởng của các con. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được đánh giá là không đủ tin cậy bởi giáo viên sẽ biểu hiện mức độ hung hăng (aggression) cao hơn cũng như mức độ hành vi “thuận xã hội” (prosocial behavior) thấp hơn.
Nếu chúng ta không được tin tưởng khi còn nhỏ, hoặc không tìm được ai đó để tin tưởng, hệ quả sẽ kéo dài cho tới khi trưởng thành. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng bản thân không xứng đáng nhận được sự tin tưởng, và chấp nhận nó như một phần tính cách của mình.
Làm thế nào để xây dựng sự tin tưởng ở con trẻ? Chúng ta thường nghĩ sự tin tưởng là đưa con chìa khóa xe và cho phép chúng lái một mình, hoặc lần đầu tiên cho phép đứa con 12 tuổi ở nhà một mình. Nhưng lòng tin có thể được xây dựng ngay từ lúc trẻ mới chào đời.
Trẻ sơ sinh quan sát từng chuyển động của người lớn để học được cách lấy những thứ chúng cần từ ta. Các bé biết làm gì để khiến ta cười, đồng thời cũng biết cách để khiến ta khóc. Chúng có thể dựa dẫm vào chúng ta trong rất nhiều việc, nhưng đồng thời cũng thông minh hơn trong suy nghĩ của ta rất nhiều. Chúng ta cần đáp ứng nhu cầu của chúng trong thời gian đầu để các bé cảm thấy rằng môi trường xung quanh mình là đáng tin cậy. Đồng thời, đây cũng là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu dạy con những bài học quan trọng.
Một số cha mẹ hành động dựa trên sự tự tin hoặc nỗi nghi ngờ: Nếu con không cần mình thì sao? Nếu con không cần mình, thì mình sẽ là loại cha mẹ như thế nào? Tôi tin rằng, điều mỗi cha mẹ muốn là việc con muốn ở bên cạnh mình, chứ không phải con cần ở bên cạnh mình (you want your child to want to be with you, not to need to be with you).
Khi con lớn lên, cha mẹ có thể trao con nhiều cơ hội hơn để xây dựng độ tin cậy cho mình. Với trẻ nhỏ, những thành tựu dù là nhỏ nhất cũng có thể giúp con xây dựng niềm tin vào chính bản thân mình. Con tự buộc dây giày, tự mặc quần áo hay tự đi bộ tới trường – những điều này đều rất tuyệt vời. Những “chiến thắng” nho nhỏ này đều là những minh chứng rõ ràng nhất để con nhận ra thành quả từ nỗ lực của mình.
Mặc dù chúng ta chưa thể tin tưởng con để đưa ra lựa chọn thông minh, nhưng ta luôn có thể hướng dẫn con trong quá trình cân nhắc các sự lựa chọn và đưa ra phương án tốt nhất. Nếu tôi đưa cho đứa cháu 9 tuổi của tôi một cây kẹo mút và bảo không được ăn, tôi biết rằng cháu của tôi vẫn sẽ ăn cây kẹo mút đó. Nhưng nếu tôi giải thích tại sao cháu tôi không nên ăn kẹo mút, rằng đường không tốt cho sức khỏe và có thể gây sâu răng, cháu tôi có thể học được cách đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Có thể cháu tôi vẫn sẽ ăn cây kẹo lúc đó, nhưng bằng việc học cách đưa ra những quyết định tương tự theo thời gian, dần cu cậu sẽ xây được những kỹ năng giúp mình phát triển một cách lành mạnh hơn.
Với trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ có thể xây dựng niềm tin theo một số bước. Đây là ví dụ về cách tôi xây dựng niềm tin với việc mua sắm - một trong những hoạt động giáo dục yêu thích của tôi:
Cha mẹ thực hiện tất cả nhiệm vụ, từ việc lựa chọn đồ và tiến hành mua tất món đồ mà con cần
Con đi cùng cha mẹ tới cửa hàng và cha mẹ để con thực hiện phần lớn quyết định mua bán (cha mẹ có thể đưa ra một mức chi tiêu nhất định - đây cũng là cơ hội tuyệt vời để con làm quen với trách nhiệm tài chính)
Cha mẹ để con tự đi lấy những món đồ cần mua; cả hai hẹn gặp ở quầy thanh toán và đưa ra những quyết định thanh toán cùng nhau
Một khi nền tảng của sự tin tưởng được xây dựng và con đã trở nên trách nhiệm hơn với tiền bạc, cha mẹ có thể đưa con thẻ tín dụng và để con tự đi mua sắm một mình. Khi con trở thành người được ủy quyền sử dụng thẻ, cha mẹ có thể kiểm lại các khoản giao dịch và hướng dẫn con cách xác minh bảng sao kê vào cuối tháng.
Một cách khác để đánh giá mức độ tin cậy của con là xem con có thực hiện đúng lời hứa của mình hay không. Nếu con bảo sẽ về nhà vào 8 giờ tối - con có thực hiện như lời nói không? Nếu con về muộn, con có gọi điện thoại hoặc nhắn tin báo cho cha mẹ không? Sau khi con chứng minh được độ tin cậy của mình, cha mẹ có thể nới lỏng sự tự do và trao cho con nhiều quyền quyết định cuộc sống của bản thân hơn.
Nếu con vẫn gặp khó khăn với việc về nhà đúng giờ, cha mẹ có thể trò chuyện cùng con về vấn đề này và tìm cách giải quyết cho lần tới. Một số trẻ gặp khó khăn với việc tuân thủ đúng thời gian, nhưng đây cũng là một cơ hội để tiếp tục học hỏi. Rốt cục, nhiều người lớn cũng gặp vấn đề với việc quản lý thời gian mà.
______________________________
Tài liệu tham khảo:
Wojcicki, Esther. “How to Raise Kids Who Will Grow into Secure, Trustworthy Adults.” Ideas.Ted.Com, 30 Aug. 2019, ideas.ted.com/how-to-raise-kids-who-will-grow-into-secure-trustworthy-adults/.
Hozzászólások