top of page
trungnguyen9

Nghệ thuật đặt câu hỏi



“Cách thầy cô bắt đầu một bài học sẽ định hình trí tưởng tượng của học sinh.”


Chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu trong Hội thảo PEN 2020 hẳn đã cho quý thầy cô thấy được tầm quan trọng của khả năng đặt câu hỏi trong việc phát triển năng lực tò mò khám phá của học sinh. Một câu hỏi tốt có thể khơi dậy hứng thú của học sinh với bài học, kích thích trí tưởng tượng và mở đầu những cuộc thảo luận sôi nổi. Đồng thời, một câu hỏi chưa hay có thể tắt đi công tắc “sáng tạo” và đưa học sinh vào chế độ “lái tự động” - học thụ động.


Đặt câu hỏi thực sự là một bộ môn “nghệ thuật” mà những giáo viên cần làm chủ nếu mong muốn trở thành những giáo viên xuất sắc.

Tuy vậy, “nghệ thuật đặt câu hỏi” không chỉ dừng lại ở việc hỏi một câu hỏi, nghệ thuật đặt câu hỏi còn bao gồm quá trình nghĩ ra câu hỏi, đợi câu trả lời, và phản hồi câu trả lời.

Trong bài viết này, IEG Foundation muốn chia sẻ cho quý thầy cô một vài kỹ thuật thầy cô có thể sử dụng để mài giũa nghệ thuật đặt câu hỏi của mình.


1. Hình thành câu hỏi

Để hình thành một câu hỏi hay, hãy nhìn vào bảng phân loại câu hỏi tư duy bậc cao và tư duy bậc thấp dưới đây:

Bảng 1: Các dạng câu hỏi đóng và mở trong tư duy hội tụ (Nguyễn Chí Hiếu, 2020)


Một câu hỏi “hay” sẽ tập trung phát triển tư duy bậc cao của học sinh, hay còn gọi là câu hỏi mở. Đặc điểm chung của các câu hỏi mở là:

  • Có nhiều câu trả lời và không có đáp án đúng

  • Thường chứa yếu tố cá nhân trong câu hỏi và câu trả lời

  • Để đánh giá chất lượng câu trả lời, giáo viên sẽ tập trung vào lối suy nghĩ và lập luận của học sinh, chứ không phải đáp án cuối cùng

Dưới đây là một số dạng câu hỏi mở cùng ví dụ được giới thiệu trong chuyên đề “Năng lực Khám phá” của tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu:

Bảng 2: Các dạng câu hỏi bậc cao (Nguyễn Chí Hiếu, 2020)


2. Đợi câu trả lời

Nghiên cứu cho thấy trung bình, giáo viên chỉ đợi trong im lặng tuyệt đối từ 1 đến 1.5 giây sau khi đặt câu hỏi và sau khi học sinh trả lời. Tuy nhiên, dựa trên nghiên cứu của mình, nhà giáo dục Mary Bud Rowe nhận ra rằng nếu thời gian chờ này kéo dài từ 3 giây trở lên, rất nhiều hệ quả tích cực được tìm thấy liên quan đến thái độ và hành vi của cả học sinh:

  • Học sinh có thời gian để suy nghĩ và chuẩn bị câu trả lời hơn.

  • Nhiều học sinh tình nguyện giơ tay trả lời và thảo luận hơn.

  • Câu trả lời của học sinh dài và chất lượng hơn.

  • Số câu trả lời “Em không biết” hay không trả lời giảm đáng kể

  • Điểm trong các bài thi chuẩn hóa của các học sinh cũng được cải thiện

Và giáo viên:

  • Số lượng các câu hỏi giáo viên hỏi giảm nhưng chất lượng đi lên

  • Các câu hỏi follow-up chất lượng hơn và đòi hỏi tư duy bậc cao hơn vì giáo viên có nhiều thời gian hơn để nghĩ câu hỏi

  • Chiến thuật đặt câu hỏi của giáo viên trở nên đa dạng và linh hoạt hơn


Từ những kết quả này, phương pháp Thời Gian Chờ Mary Bud Rowe ra đời từ năm 1972 khuyến khích các giáo viên dành ÍT NHẤT 3 giây trong im lặng trước và sau khi học sinh trả lời. Phương pháp này được cải tiến bởi Stahl vào năm 1985 với tên gọi “Thời gian Suy nghĩ”.


Thời gian suy nghĩ 3 giây không có nghĩa là sau mỗi câu hỏi, học sinh phải im lặng 3 giây rồi mới được trả lời, học sinh hoàn toàn có thể trả lời trước khi kết thúc 3 giây. Đây là thời gian tối thiểu giáo viên nên cảm thấy thoải mái chờ đợi trong im lặng nếu học sinh chưa trả lời câu hỏi của mình. Vì im lặng trong thời gian này không phải là xấu. Sau 3 giây, giáo viên có thể can thiệp bằng một câu hỏi khác.


Các giáo viên thường sợ sự im lặng trong lớp học sau khi một câu hỏi được đưa ra. Nhưng bằng việc cung cấp cho học sinh một khoảng thời gian vừa phải (3 giây trở lên) để suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời, thầy cô thực tế đang cải thiện chất lượng bài học và trải nghiệm học tập của học sinh.


3. Quản lý câu trả lời và điều phối thảo luận

Sau khi học sinh trả lời, thầy cô nên làm gì?

Khả năng quản lý câu trả lời và điều phối thảo luận cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của một câu hỏi. Dưới đây là một số nguyên tắc vàng IEG Foundation muốn chia sẻ với các thầy cô để có thể quản lý câu trả lời và điều phối thảo luận hiệu quả hơn:

3.1. Tất cả mọi ý kiến đều phải được ghi nhận

Có nhiều cách để ghi nhận một câu trả lời: ghi lại ý kiến của học sinh lên bảng hoặc một nơi cả lớp có thể nhìn thấy, tóm tắt lại câu trả lời của học sinh, thậm chí là đặt một câu hỏi follow up để “vặn” lại học sinh. Không chỉ tốt cho quá trình ôn lại kiến thức của cả lớp, với việc ghi nhận ý kiến của học sinh, thông điệp mà thầy cô đang truyền tải là sự tôn trọng ý kiến của các em và muốn lắng nghe các em.


Nếu không thể để tất cả học sinh phát biểu, giáo viên có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ từ 2 đến 4 người (tùy thuộc vào yêu cầu bài tập) để thảo luận trước và chia sẻ lại theo nhóm.

Lưu ý: dù có một câu trả lời rất ưng ý, giáo viên vẫn nên giữ trạng thái trung lập để học sinh không cảm thấy ý kiến và câu trả lời của mình đang bị đánh giá.



3.2. Follow-Up

Không chỉ ghi lại ý kiến của học sinh. Giáo viên có thể hỏi những câu hỏi follow-up để làm rõ ý tưởng của học sinh, kết nối những ý tưởng của học sinh với nhau, và khuyến khích sự tham gia thảo luận của các học sinh khác (làm rõ, củng cố hoặc bất đồng).

Ví dụ:

“Bạn nào có thể giải thích những gì Dũng vừa nói theo một cách khác nhỉ?”, “Điều gì làm em nghĩ vậy?”...


Nếu câu trả lời sai, thầy cô hãy hỏi rõ hơn về lối suy nghĩ của học sinh để xác định lỗi sai. Điều này quan trọng hơn việc tìm thấy bạn có câu trả lời đúng rất nhiều. Hãy khuyến khích học sinh diễn giải câu trả lời một cách chi tiết: “Chuyện gì có thể xảy ra sau đó?”, “Con có thể nói rõ hơn về ý này được không?”, “Con có thể cho thầy một ví dụ được không?”...


3.3. Không Được Rút (No Opt Out)

Không Được Rút là triết lý dạy học đầu tiên được trích dẫn từ cuốn “Dạy như một nhà vô địch” (“Teach like a champion”) của Doug Lemov. Một cách dễ hiểu, Không Được Rút đảm bảo học sinh sẽ trả lời câu hỏi và không có cách “rút” khỏi lớp học. Không Được Rút được áp dụng khi học sinh trả lời “Em không biết” hoặc “đứng hình” quá lâu trước một câu hỏi.

Lý do thầy cô nên sử dụng Không Được Rút là để học sinh chịu trách nhiệm cho việc học của mình và hiểu rằng mình không thể “thoát” một câu hỏi bằng việc nói “Em không biết”.

Hãy thử tưởng tượng một cảnh quen thuộc trong lớp học để ta hình dung cách sử dụng luật "Không được Rút" này trong thực tế nhé!


Thầy Cô hỏi rằng: “Mẹ tôi đi chợ.” Dũng, chủ ngữ của câu là gì?

- Con không biết ạ.

Lúc này, Thầy Cô có thể: 3.3.1. Hỏi một học sinh khác biết câu trả lời và cho học sinh đầu tiên nhắc lại câu trả lời: - Đức, chủ ngữ của câu là gì?

- Là “Mẹ” ạ. - Đúng rồi. Vậy Dũng, con cho thầy biết chủ ngữ của câu được không?

- Là “Mẹ” ạ.

3.3.2. Hỏi một câu hỏi gợi ý: - Khi đi tìm chủ ngữ, chúng ta đang tìm cái gì nhỉ?

- Dạ, đi tìm người thực hiện hành động ạ. - Đúng rồi, Dũng, con đã nghĩ ra chủ ngữ là gì chưa?

- Dạ, là “Mẹ” ạ.

3.3.3. Nhờ một học sinh khác gợi ý cho bạn của mình: - Có bạn nào trong lớp có thể cho Dũng một gợi ý được không?

- Chủ ngữ là người thực hiện hành động đấy Dũng. - À, là “Mẹ” ạ.


Trong trường hợp tệ nhất (mà rất ít khi xảy ra), học sinh vẫn tỏ thái độ không muốn trả lời, thầy cô có thể nhắc lại triết lý này:

“Không có vấn đề gì với việc con trả lời sai. Nhưng thầy kỳ vọng con sẽ thử và cố gắng. Con có thể ngồi xuống và ở lại nói chuyện với thầy sau tiết học.”

Mục tiêu cuối cùng của việc giáo viên làm chủ nghệ thuật đặt câu hỏi chính là học sinh học được khả năng tự đặt những câu hỏi tư duy tầm cao qua tiếp xúc nhiều với giáo viên. Khi học sinh tự biết đặt những câu hỏi hay và chủ động điều phối các cuộc thảo luận trong lớp, giáo viên đã đạt được thành công trong việc “truyền nghề”.


Mục tiêu này có thể đạt được khi và chỉ khi thầy cô thiết lập được một không gian lớp học luôn chào đón những câu hỏi, những ý kiến sáng tạo, và những câu trả lời bất kể đúng sai. Trường học nên là nơi học sinh được làm sai và sửa lỗi, được học cách đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Chúng tôi xin được kết thúc bài viết bằng một câu nói nổi tiếng của nhà Khoa học Vĩ đại Albert Einstein:

“Nếu tôi có 1 giờ để giải quyết một vấn đề quyết định mạng sống của mình, tôi sẽ dành 55 phút để suy nghĩ câu hỏi mình sẽ phải trả lời.”


Nguồn tham khảo:


[1] Church, E., 2020 Teaching Techniques: The Art Of Asking Questions | Scholastic.


Tổng hợp và lược dịch bởi Nguyễn Quang Tùng.

17 views0 comments

Comments


bottom of page