Mình nhớ mãi hình ảnh người thầy giáo 40 tuổi đứng gấp hình siêu nhân cùng cậu nhóc học trò 08 tuổi. Thầy vừa xếp vừa bàn về trận đá banh hôm trước. Thầy ôn tồn và không la mắng gì đứa trẻ mới làm sai gần hết mọi bài Toán trong tiết của thầy.
Lúc đó, mình biết: đó là hình ảnh đẹp nhất trong ngày của mình.
Mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó, mình lại thấy hân hoan trong lòng vì đã tham gia làm trợ giảng tình nguyện thời đại học. Qua mấy lần mười năm cuộc đời, bao nhiêu lần mình sẽ bắt gặp được khoảnh khắc đẹp như vậy?
“Theo cái nghề này, là chấp nhận.”
Những lúc theo chân thầy vào phòng giáo viên, mình hay tranh thủ hỏi thăm về đời dạy học của thầy, rồi về cách làm sao để hỗ trợ thầy và học sinh tốt nhất trong ca làm của mình.
Xâu chuỗi lại những cuộc trò chuyện tủn mủn, chóng vánh ấy là những chia sẻ về các khó khăn thầy gặp phải với nghề: công tác giấy tờ và soạn bài ngoài giờ dạy, những cuối tuần bỏ lỡ buổi đi chơi cùng gia đình để lo việc lớp, về những chính sách lương thưởng chưa thỏa đáng với giáo viên,...
Trong mắt một đứa sinh viên chân ướt chân ráo mới vào nghề, hiểu biết sách vở chưa được 10 và góc nhìn thực tiễn chắc được 0,01, những lời thầy kể như một chân trời mới mà phải ba năm sau, mình mới ngờ ngợ ra, “chân trời” đó không nằm ở bên kia đại dương, mà chính là “đời” của những ai gắn với nghiệp giáo.
Mà đã thường như "đời", mấy ai màng nhắc tới?
Theo cái nghề này, là chấp nhận.
Thầy nói một cách bình thản, còn mình thì tiếp nhận một cách mông lung.
Cho tới giờ, mình vẫn đang đi tìm ý nghĩa của từ “chấp nhận” (accept) mà thầy nhắc tới.
“Mấy đứa nhỏ dễ thương lắm.”
30 đến 40 học sinh/ lớp, một ngày gần 80 học sinh. Thầy nhớ rõ học sinh nào có thế mạnh và điểm yếu nào, và hướng dẫn mình chi tiết cách phối hợp với thầy trong tiết học đối với từng đối tượng học sinh.
Sau mỗi lần giải thích nhanh ấy, thầy vẫn hay chốt lại:
Nhớ nhé, mấy em này thế này, mấy em kia thế kia. Mà đừng lo, cần gì em cứ hỏi, mấy đứa nhỏ dễ thương lắm.
“Mấy đứa nhỏ dễ thương lắm.” - hay tại vì vậy mà dù có phải mang cả gánh khó khăn với nghề, người thầy đó vẫn điềm nhiên đứng gấp hình siêu nhân và bàn về trận đá banh với học trò của mình?
Dù biết rằng một người có rất nhiều lý do để không/chưa rời bỏ một nghề nghiệp, nhưng mình vẫn hay tự thắc mắc: tình thương cho học trò của thầy sâu tới độ nào để có thể giữ thầy bám trụ với nghề?
Trong mắt mấy đứa nhỏ, thầy là một thầy dạy Toán.
Cũng có thể là một siêu nhân thứ thiệt.
Còn trong mắt mình, thầy là một người thầy đúng nghĩa trong nghề.
Chuyện kể bởi Anh, công tác trong lĩnh vực giáo dục. Về thầy Dan, dạy Toán tại York (Anh).
"Hãy để nghề giáo tốt đẹp trở lại" là chuỗi những câu chuyện đời thường của nhà giáo và về nhà giáo, do IEG Foundation khởi xướng và liên tục cập nhật từ chính các độc giả khắp nơi. Gửi gắm câu chuyện nhà giáo tại hòm thư này hoặc gửi email đến foundation@ieg.vn với tiêu đề Nghề giáo - Họ tên - Nơi công tác. Mọi câu chuyện sẽ luôn được tiếp nhận và cân nhắc đăng tải tại IEG Foundation Fanpage và Blog EDU359.
Kommentarer