“Anh chị em giáo viên mỗi người một quê, lên đây cắm bản từ thuở bản không có đường, không sóng điện thoại, không trạm y tế... Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Ngày đó, chúng tôi được dân bản cưu mang, cho gạo, cho gà về nuôi để lấy thức ăn. Có thức ăn ngon là họ nhường thầy, cô ăn để có sức dạy học. Ân nghĩa đó khó mà đo đếm được”.
Cùng IEG Foundation đọc chia sẻ của Cô Cà Thị Xoan, giáo viên điểm trường Huổi Dên, Pú Hồng, Điện Biên. Năm 2019, Đội ngũ có cơ duyên được tái xây dựng điểm trường, để rồi từ đó được chạm đến câu chuyện của cô Xoan.
Cô Cà Thị Xoan – giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép Huổi Dên đã quá quen thuộc với từng ngóc ngách, từng nóc nhà của điểm bản Huổi Dên, Điện Biên. Bởi cô công tác được 13 năm, trong đó cô cắm tại bản Huổi Dên 7 năm liên tục. Có lẽ vì vậy mà cách giao tiếp, sinh hoạt của cô chẳng khác người bản địa là mấy.
Cô bảo:
Một khi dân bản hiểu mình thì chuyện học hành của con em họ sẽ dễ dàng hơn. Niềm tin của người dân bản đối với giáo viên sẽ quyết định việc họ có đưa con em tới trường hay không.
Vất vả là khi...
Theo lời của cô Xoan, trước đây, nhận thức về sự học của một số gia đình nơi đây còn hạn chế, vui thì cho con đến trường, buồn thì nghỉ ngay. Vì thế, dù là học sinh Tiểu học hay Trung học Cơ sở, thầy, cô luôn phải dỗ dành. Đặc biệt đối với trẻ mầm non, cha mẹ còn chưa quan tâm đến việc học tập của các cháu. Chỉ nặng lời trách phạt là ngày mai các em có thể nghỉ học tức khắc.
Một em nghỉ học, giáo viên phải vào tận bản để thuyết phục, đưa các em trở lại trường lớp. Không chỉ đi một lần, mà vài lần như thế mới xong.
Cô kể lại một câu chuyện cũ:
Khi giáo viên vào từng hộ gia đình vận động, bố mẹ các em phản đối gay gắt lắm! Họ nói là “cái ăn chưa đủ thì học hành cái gì". Những lúc đó, chị em giáo viên phải vận dụng tất cả khả năng từ mối quan hệ với dân bản, cộng với vốn liếng tiếng dân tộc của mình để giải thích cho họ nhận ra ý nghĩa của việc cho con cái đến trường.
Vất vả nhất là khi các cháu mới ra lớp. Hầu hết các con đều không biết tiếng phổ thông. Giáo viên bắt buộc phải huy động tất cả khả năng, cử chỉ, hành động, đôi khi phải lồng tiếng dân tộc vào bài học để dạy cho các cháu hiểu bài.
Suốt những tháng năm cắm bản, cô chưa hề nhận được một bó hoa hay một món quà lớn lao nào vào những ngày lễ ngày tết của thầy cô. Mà, ở bản đủ lâu, những bó hoa hay những món quà ngày lễ khó thể nào sánh được với tình thương mà các cha mẹ dành cho các cô mỗi ngày.
Tình người giữa dân bản và giáo viên, song hành cùng tình thương dành cho các học trò, là niềm động lực cho cô Xoan và các đồng nghiệp dốc lòng chăm sóc, nuôi dạy các cháu bằng cả tấm lòng nhiệt huyết của mình.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng...
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng cô chưa một lần có ý định bỏ nghề, bởi “nhiều khi cứ nghĩ tới mấy đứa trẻ mặc không đủ ấm, co ro trong giá lạnh mỗi khi đông đến, lại thấy không cam tâm”.
Nói rồi, cô nhắc đến sự cưu mang của dân bản ở những thời điểm thầy, cô gặp khó khăn nhất trong cuộc sống:
Anh chị em giáo viên mỗi người một quê, lên đây cắm bản từ thuở bản không có đường, không sóng điện thoại, không trạm y tế,...
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Ngày đó, chúng tôi được dân bản cưu mang, cho gạo, cho gà về nuôi để lấy thức ăn. Có thức ăn ngon là họ nhường thầy, cô ăn để có sức dạy học. Ân nghĩa đó khó mà đo đếm được.
Để trẻ em nghèo biết đến con chữ, giáo viên và dân bản phải mang lớp học tới tận những bản làng xa xôi khó khăn nhất. Cô nhớ nhất là cảnh vượt đèo, lội suối, “ăn dầm ở dề” với dân bản để dựng nhà, dựng trường cho học sinh.
Để có được những điểm trường lẻ như ngày hôm nay là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các cấp chính quyền địa phương, giáo viên và dân bản. Giờ đây, nhận thức về sự học của dân bản đã khá hơn trước. Học sinh tới trường chuyên cần, chăm chỉ hơn, và hầu như không còn bỏ học, nghỉ học giữa chừng.
Và để hiểu và truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất cho các cháu, giáo viên phải đọc thông, viết thạo “đa ngôn ngữ” (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc). Cô Xoan chia sẻ thêm:
Có thể nói, những giáo viên cắm bản nơi vùng sâu vùng xa như chúng tôi đều có chung một ý nghĩ, niềm tin phải đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho các thế hệ học sinh thân yêu.
Chính từ đức hy sinh cao đẹp đó, các thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh nơi đây bay cao, bay xa hơn.
Chuyện chia sẻ bởi cô Cà Thị Xoan, giáo viên điểm trường Huổi Dên, thuộc hệ thống trường Mầm non Pú Hồng (Điện Biên).
"Hãy để nghề giáo tốt đẹp trở lại" là chuỗi những câu chuyện đời thường của nhà giáo và về nhà giáo, do IEG Foundation khởi xướng và liên tục cập nhật từ chính các độc giả khắp nơi. Gửi gắm câu chuyện nhà giáo tại hòm thư này hoặc gửi email đến foundation@ieg.vn với tiêu đề Nghề giáo - Họ tên - Nơi công tác. Mọi câu chuyện sẽ luôn được tiếp nhận và cân nhắc đăng tải tại IEG Foundation Fanpage và Blog EDU359.
Comentarios