Nghề giáo đối với tôi tượng trưng cho rất nhiều thứ.
Đó là gia đình, vì cả ông bà nội và ông ngoại đều từng là giảng viên đại học, cao đẳng. Là vì những câu chuyện hàng tuần ông kể khi gặp học sinh dưới sân trường.
Đó là sự cảm thông, khi nghĩ về những lúc từng oán trách thầy cô sao phải nghiêm khắc đến thế trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Là khi trở thành cô giáo (dù cũng mới chập chững thôi) và nhận ra: thầy cô làm quan trăm họ ngày đó khó khăn, và áp lực như thế nào.
Đó là lòng biết ơn, vì tôi đã từng là một đứa trẻ rất đỗi bình thường, sức học làng nhàng trong một môi trường đầy cạnh tranh. Suốt những năm tháng đầu tiểu học, tôi học trong một lớp có 53 học sinh.
53 cá thể.
Là 53 tính cách.
Là 53 con người riêng biệt, với những sắc thái cùng những vấn đề chẳng hề giống nhau.
“Đó chỉ là một câu hỏi hết sức bình thường và xã giao thôi, nhưng tôi thực sự cảm kích khi được cô giáo nhớ về một chi tiết rất nhỏ như vậy.”
Ở thời điểm đó, tôi chưa đủ lớn để hiểu được áp lực của thầy cô khi phải quản lý một tập thể lớp đông đến như vậy.
Với đứa trẻ 8-9 tuổi, tôi chỉ cảm thấy vô cùng bé nhỏ khi bạn bè được cô giáo quan tâm chú ý, thi được giải này giải nọ, còn mình chỉ làng nhàng không giỏi hẳn, nhưng cũng chẳng dốt. Hồi đó, chủ trương của bố mẹ không muốn tôi phải đi học thêm quá nhiều, nên vô hình trung tôi cũng mất đi nhiều mối quan hệ bạn bè, vì đa phần mọi người thân nhau qua những lớp học thêm sau giờ học đó. Tuy chưa đủ lớn để thấy lạc lõng và vô hình, nhưng tôi biết đó là một cảm giác thật lạ, mà lạ theo kiểu hơi buồn bã, chứ chả lấy gì làm thích thú.
Năm lớp 4, lần đầu tiên tôi được cô chủ nhiệm thực sự nhớ tên, nhớ mặt trong tập thể lớp đó. Tôi vẫn còn nhớ câu hỏi của cô Thúy, dù bao nhiêu năm đã trôi qua. Cô đã hỏi tôi rằng:
Phương học đàn piano đúng không? Cô cũng muốn cho con cô học lắm, con thấy học đàn có vui không, có thích thú không?
Nghĩ lại, đó chỉ là một câu hỏi hết sức bình thường và xã giao thôi, nhưng tôi thực sự cảm kích khi được cô giáo nhớ về một chi tiết rất nhỏ như vậy.
Rồi sau đó, tôi hết mình chia sẻ với cô về âm nhạc, về đàn, về nơi cô nên gửi con cô đi học, ... Rồi sau đó, cuộc nói chuyện không còn chỉ xoay vòng trong câu hỏi đó nữa. Cô bắt đầu động viên tôi thử đi học đội tuyển Anh của khối, rồi thử đi thi viết chữ đẹp Quận.
“Đó là lần đầu tôi biết cảm giác được thầy cô tin tưởng và quan tâm nó có sức mạnh lớn như thế nào.”
Thời đó, việc được cử đi thi những cuộc thi như vậy là một cơ hội vô cùng quý giá mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Tôi tham vọng một lần được chứng tỏ mình, nhưng lại quá dè dặt và ít nói để có thể được cân nhắc vào những vị trí đó. Nhờ lời động viên của cô Thúy , tôi từ một học sinh đứng giữa lớp với thành tích học tập hạng trung (đủ lên lớp, nhưng không đủ để gây ấn tượng) đã dám thử thách mình với những mục tiêu lớn lao hơn một chút. Tôi bắt đầu được học cùng đội tuyển Anh, những người bạn đầy xuất sắc đã nhiều năm được cử đi thi cùng nhau. Rồi, tôi cũng hái quả ngọt: đạt được giải thưởng mà mình mơ ước, được ba mẹ thưởng đi ăn kem Thủy Tạ và đi một vòng hồ Gươm.
Đó là lần đầu tôi biết cảm giác được thầy cô tin tưởng và quan tâm nó có sức mạnh lớn như thế nào.
Tình thương và sự tin tưởng đấy đến giờ vẫn len lỏi trong cái cách mà tôi quan tâm ba mẹ, người thân, bạn bè, học sinh, đồng nghiệp, ... - sự quan tâm từ những điều nhỏ nhất, vì chỉ cần một sự chú ý nhỏ, một lời động viên nhỏ thôi, cũng có khả năng thay đổi và tạo nên những điều thật lớn lao.
“Đối với tôi, người thầy tốt không nhất thiết phải cực kỳ xuất sắc trong việc dạy học.”
Quay ngược lại thời gian về ngày hôm nay, bây giờ tôi cũng không quá thiết tha được giải nhất, giải nhì trong những cuộc thi như vậy nữa. Nhưng tôi học được cách vững tin và hết mình cố gắng đối với mọi mong ước của mình.
Ngày đó là giải nhất, giải nhì.
Bây giờ là được truyền cảm hứng cho những học sinh tôi yêu.
Ngày đó là một lần được đi ăn kem Thủy Tạ với ba mẹ.
Bây giờ là được dành nhiều thời gian hơn nữa cho gia đình, cho ông bà tôi, những người đang ngày một già đi trong khi tôi mải mê theo đuổi ước mơ của mình.
Nếu không có lời động viên và dẫn dắt của cô Thúy ngày đấy, có lẽ tôi cũng đã đi một con đường khác.
Đối với tôi, người thầy tốt không nhất thiết phải cực kỳ xuất sắc trong việc dạy học.
Thầy có thể hơi lúng túng, có lúc hơi vụng về, có lúc lại bối rối trước tâm sinh lý đảo lộn của những học trò tuổi dậy thì. Thầy có thể không hoàn hảo, cũng không cần phải có thật nhiều nhiều bằng cấp xuất sắc. Nhưng thầy sẽ là người tốt nhất với các con nếu thầy biết quan tâm và thật sự chân thành, không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống, trong những vẩn vơ suy nghĩ, trong những hoài bão dở dang cần được thực thi.
Chuyện kể bởi Nguyễn Thu Phương, hiện đang chuẩn bị học Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Giáo dục.
"Hãy để nghề giáo tốt đẹp trở lại" là chuỗi những câu chuyện đời thường của nhà giáo và về nhà giáo, do IEG Foundation khởi xướng và liên tục cập nhật từ chính các độc giả khắp nơi. Gửi gắm câu chuyện nhà giáo tại hòm thư này hoặc gửi email đến foundation@ieg.vn với tiêu đề Nghề giáo - Họ tên - Nơi công tác. Mọi câu chuyện sẽ luôn được tiếp nhận và cân nhắc đăng tải tại IEG Foundation Fanpage và Blog EDU359.
Comments