top of page
trungnguyen9

Năng lực công nghệ số là gì?




Làm nghề giáo, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều rất quen với khái niệm literacy - khả năng đọc và viết. Một người không biết đọc, biết viết, tất yếu sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội, chứ chưa kể đến việc tìm một công việc trả lương hậu hĩnh. Ngay cả những công việc giản dị hàng ngày như đọc báo hay điền đơn xin việc cũng trở nên khó khăn vô cùng đối với một người không biết chữ.


Ngày nay, literacy không chỉ dừng lại ở khả năng đọc viết thông thường. Để có thể bắt kịp với tốc độ chuyển giao của ngành công nghiệp 4.0, thế hệ học sinh, sinh viên cần phải thông thạo một kĩ năng mới – đó chính là năng lực công nghệ số (digital literacy).

Năng lực công nghệ số được Đại học Cornell định nghĩa là “khả năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng, chia sẻ và sáng tạo nội dung bằng công nghệ thông tin và Internet.” [1]

Vậy với định nghĩa này, năng lực công nghệ số bao gồm một loạt các kỹ năng cần thiết mà học sinh cần nắm bắt để thành công trong kỉ nguyên 4.0: từ việc tìm kiếm, chọn lọc thông tin tới việc sáng tạo nội dung trực tuyến. Khi các phương tiện in ấn bắt đầu mất đi sự phổ biến, những học sinh không cập nhật năng lực công nghệ số sẽ dần cảm thấy thiệt thòi, giống như người không biết đọc hoặc viết ngày xưa.


Nắm bắt được tầm quan trọng của năng lực kỹ thuật số, gần đây các giáo viên thường được yêu cầu dạy kỹ năng giao tiếp trực tuyến và sử dụng công nghệ trong lớp học. Nhìn một cách tổng quan thì điều này có vẻ không khác nhiều so với việc dạy học sinh đọc viết thông thường, chỉ khác là giờ thầy cô phải dạy trên nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn nhận ở một góc độ khác, việc dạy học sinh về công nghệ số là một kỹ năng hoàn toàn mới, và nó không chỉ dừng lại ở việc dạy các con biết đọc và viết trên mạng xã hội.

Vậy thầy cô nên bắt đầu từ đâu?


Phân biệt thông tin trực tuyến

Hầu hết các em học sinh đã có kinh nghiệm sử dụng công nghệ ở nhà qua những thiết bị như máy tính bảng, điện thoại thông minh và máy tính. Nhiều con đã biết cách duyệt web, chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội và tra cứu Google ở độ tuổi rất nhỏ. Khi tiếp xúc với vô vàn những thông tin trôi nổi trên mạng, các con khó phân biệt được các luồng thông tin, hay liệu trang web này có độ tin cậy cao hay thấp.


Nhận biết được khó khăn mà học sinh có thể mắc phải khi tham luận trực tuyến, các thầy cô nên dạy học sinh cách loại bỏ thông tin sai lệch và tìm các nguồn đáng tin cậy. Kỹ năng này là một phần tất yếu của năng lực công nghệ số và là một kỹ năng sống quan trọng trong thế kỷ 21.


Thầy cô hãy bắt đầu bằng việc dạy học sinh cách tìm thông tin tác giả, ngày xuất bản và các thông tin có thể tiết lộ độ đáng tin cậy của nguồn trực tuyến. Các con nên học cách phân biệt giữa các loại trang web, ví dụ như trang có đuôi .com có thể kém tin cậy hơn trang .edu.


Chia sẻ thông tin trực tuyến

Ngoài việc học cách xác định thông tin, các con cần biết cách chia sẻ thông tin trực tuyến một cách phù hợp và văn minh. Do các con tiếp xúc với Internet ở độ tuổi khá nhỏ, nhiều phụ huynh lo lắng rằng con có thể bị lợi dụng và lừa gạt bởi kẻ xấu, dẫn đến việc đăng tải những nội dung riêng tư trực tuyến. Nếu không được giáo viên giảng dạy về mặt lợi và hại của việc chia sẻ thông tin trực tuyến, các con sẽ khó có thể tự rút ra bài học cho mình và có thể bị lợi dụng bởi kẻ xấu trên mạng.


Do vậy, khả năng sáng tạo và chia sẻ nội dung trực tuyến được coi là một phần của kiến thức kỹ thuật số và nên được dạy trong trường học.


Viết lách trực tuyến

Ngoài những kỹ năng về phân biệt và chia sẻ nội dung trực tuyến, học sinh cần hiểu được sự khác biệt giữa tham luận trên mạng và việc viết một bài văn nghị luận truyền thống. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các con có thể đưa hình ảnh và liên kết vào văn bản trực tuyến để phục vụ mục đích của mình. Giống như việc một bài văn tự sự cá nhân khác với một bài nghiên cứu, tính chất của một bài đăng trên Facebook ukhác với một bài báo cho một trang web hoặc blog.


Khi công nghệ trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, chúng ta không thể dễ dàng bỏ qua việc mài dũa kỹ năng sử dụng công nghệ của bản thân. Với cương vị là người cầm lái chỉ dẫn cho các con, thầy cô hãy tận dụng cơ hội để dạy cho các con về năng lực công nghệ số, giúp các con có công cụ để thành công trong tương lai mai sau.


Nguồn:



32 views0 comments

Comments


bottom of page