Khi con cái và người thương yêu vừa khóc vừa kể với ta về chuyện gì đó, ta phản ứng thế nào?
Thử cùng tưởng tượng 03 tình huống sau.
Tình huống 1:
Con ta 6 tuổi và ta dẫn con đi nhổ răng. Trong phòng chờ nha sĩ, con ngã khỏi ghế và khóc rất to, và chạy tới chỗ ta. Ta làm gì, nói gì với con lúc đấy?
Một người bố mà tôi chứng kiến thì bảo với đứa con rằng:
Có sao đâu, có gì đau đâu con?
Đứa trẻ tiếp tục khóc.
Ta rất dễ có phản ứng “Không sao đâu, mọi thứ sẽ ổn thôi” khi cảm thấy ai đó đau buồn. Đặc biệt, càng thân thiết với một người, ta càng cảm thấy lo lắng khi thấy họ tỉ tê điều gì đó, và càng mong muốn đưa ra lời khuyên cho họ - ngay cả khi không cần thiết. Sự thực là những lời khuyên lúc đấy… hiếm khi có tác dụng.
Cơ bản là khi buồn bã, đầu óc ta không còn tiếp nhận được thông tin mới. Ngay giữa tâm điểm của nỗi buồn bực, trước tiên, một người cần được bình tĩnh lại. Để làm được vậy, họ cần nhìn nhận lại toàn bộ sự việc cùng với ai đó thực lòng quan tâm và tôn trọng họ. Trẻ con hay người lớn đều như vậy.
Tình huống 2:
Con đã 8 tuổi, ta tập cho con đạp xe đạp. Vì mới nên vẫn cần bánh phụ - tức là chạy xe đạp 3 bánh. Con chạy rất nhanh, rẽ phải đột ngột, và ngã. Ta kiểm tra kỹ lưỡng và không phát hiện chỗ xây xát hay gãy xương nào, chỉ là con đang rất hoảng loạn. Con khóc rất to.
Ta làm gì, nói gì với con lúc đấy?
Một người mẹ mà tôi quen biết trong tình huống đó đã vội chạy đến chỗ đứa con, nhanh chóng ôm lấy đứa bé và hỏi:
Con mới ngã khỏi xe đạp à?
Đứa bé khóc to hơn nữa. Bạn tôi tiếp tục nói:
Có phải con đang chạy xe, rồi con rẽ ở đây, rồi xe đạp nghiêng rồi trượt một đường rõ dài, rồi con ngã “ẦM” phải không?
Bạn tôi nói tới đâu, “đóng kịch” theo “lời thoại” tới đấy, và dĩ nhiên là cô ấy giả vờ ngã xuống đất. Đứa trẻ lúc này phá ra cười và bảo:
Rẽ, ngã, ẦM!
Bạn tôi tiếp tục:
Và con sắp sửa đạp xe nhanh ơi là nhanh, rồi con rẽ phải ngay lập tức, rồi con ngã “ẦM” xuống đất??
- bạn tôi giả vờ tỏ ra ngạc nhiên rồi giả vờ té xuống đất. Đứa con cười khanh khách và quên mất luôn việc mình vừa bị ngã. Cậu bé lại tươi tỉnh đạp xe tiếp.
Từ tình huống 2, ta có thể thấy cách mà người mẹ phản ứng hoàn toàn dựa theo “dòng chảy” của sự việc và cảm xúc khi lắng nghe. Cô ấy nghe con mình khóc và quan sát, rồi trò chuyện với đứa bé về sự việc theo hướng “phát triển câu chuyện” - thay vì đưa ra lời khuyên, một câu hứa hẹn, hay một lời diễn giải về tình hình.
Ngay tại giữa thời điểm ai đó đang bối rối, hoảng loạn, ta hãy từ tốn lắng nghe và chấp nhận vết thương của họ, chấp nhận cả cách mà họ đối diện với vết thương đấy. Rồi theo dòng chảy của cảm xúc, họ sẽ dần dần bình tĩnh lại. Lúc đấy, ta có thể đưa ra lời khuyên nếu cảm thấy cần thiết.
Tình huống 3:
Trong thời gian ở nhà tránh dịch bệnh covid-19, ta gọi điện hỏi thăm một người bạn 30 tuổi, hiện đang là một nhà khoa học. Cậu ấy rất chán nản:
Cảm giác ở nhà thời điểm dịch bệnh này lạ quá. Rõ ràng là đâu phải có bom đạn ở ngoài? Nhưng mình vẫn cứ thấy sợ sợ, kiểu như, chúng ta chẳng biết phải làm gì với con vi-rút cả. Cậu hiểu ý mình không?
Ta trả lời bạn mình như thế nào?
Còn tôi, tôi hít một hơi thật sâu, rồi trả lời bạn mình rằng:
Kiểu như là kẻ giặc vô hình phải không? Con vi-rút ấy. Công nhận là nếu không nhìn thấy một vật thì sẽ rất khó để thực sự thấy sợ nó. Nhưng mà đồng thời, con vi-rút có thể ở bất cứ đâu, và tụi mình thì chẳng biết phải tự vệ thế nào cho an toàn tuyệt đối cả.
Bạn tôi reo lên:
Đúng vậy! Ý mình chính là như vậy đấy. Diễn tả được cảm giác của mình tự nhiên thấy nhẹ người hẳn. Cảm ơn cậu nhiều nhé!
Cách phản ứng của người nghe trong tình huống 2 và 3 được nhà Tâm lý học Angela Duckworth đặt tên là WIG (“What I Got” - tạm dịch: “Có gì dùng nấy”). Đại ý là chúng ta hãy lắng nghe để hiểu câu chuyện, lắng nghe để chỉ đơn giản là lắng nghe, chứ không cần lắng nghe với tâm thế “mình phải nghĩ ra một câu trả lời nào đó”.
Trong những tình huống trên, thực ra thì cái mà đứa con hay người bạn của ta cần không phải là một lời khuyên hay một lời hứa rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Những lúc yếu lòng như vậy, họ chỉ cần ai đó ở bên, quan tâm một cách chân thành, và giúp họ nhìn ra bản chất của những gì họ đang trải qua.
Đã có quá nhiều người ngoài kia nghe chuyện của những người ta yêu thương và phán xét họ vì "yếu đuối" rồi. Cái ta có thể làm cho họ đôi khi chỉ đơn giản là sự lắng nghe để lắng nghe.
Kết:
Lần tới, khi trò chuyện với ai đó đang buồn bã:
ĐỪNG cho lời khuyên (nếu họ không cần).
ĐỪNG bảo với họ rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi.
ĐỪNG nói rằng ta cũng hiểu cảm giác của họ (vì cách mỗi người cảm nhận về cùng một trải nghiệm cũng khác nhau; do đó, ta không chắc sẽ hiểu được hết cảm xúc của họ về cùng một vấn đề.) .
HÃY thả lỏng cơ thể và lắng nghe. Cảm xúc bạn như thế nào thì phản hồi lại với họ như thế.
HÃY thả lỏng cơ thể và lắng nghe họ. Ta có thể bối rối và rất muốn người ta thương yêu mau cảm thấy khá lên. Tuy vậy, việc thúc ép họ mau chóng cảm thấy khá lên hay vội vã xóa bỏ nỗi buồn là không cần thiết.
HÃY yêu thương và lắng nghe họ. Cho họ thấy rằng bạn hiện diện - ngay cả khi bạn không nói gì hay không đưa ra phương pháp giải quyết nào.
*Bài viết gốc: How to be supportive - The power of presence của CharacterLab
*Dịch và biên tập: IEG Foundation
*Đọc thêm: Bí mật của Con
Comments