Những nhà giáo dục lâu năm cho rằng học tập theo truy vấn (inquiry-based learning) – là khi các con học hỏi qua việc giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc làm thí nghiệm để kiểm chứng - giúp trẻ em hứng thú hơn và đặt nhiều câu hỏi hơn về thế giới xung quanh. Nhưng những hành vi thể hiện đó có thực sự là dấu hiệu cho thấy trẻ em tò mò, và sự tò mò đó có thể được nuôi dưỡng trong lớp học hay không?
Theo nhà nghiên cứu khoa học nhận thức Elizabeth Bonawitz, mọi người đều sinh ra với bản tính tò mò - một trạng thái tự nhiên giống như đói hoặc khát.
Bà nói rằng: “Trí tò mò hoạt động như một “màng lọc” khi con người nhìn nhận thế giới xung quanh, điều này giúp não bộ quyết định xem thông tin nào đáng để lưu trữ. Đây là một phản ứng sinh lý tự nhiên giúp thúc đẩy các hành vi cụ thể cũng như việc đưa ra quyết định để hỗ trợ việc học”.
Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bạn có thể “nuôi dưỡng” tính tò mò - nhưng bạn có thể tạo ra các tình huống thúc đẩy và hướng dẫn sự tò mò của trẻ.
Bonawitz nhận xét: “Tôi muốn tách biệt hai quan niệm về sự tò mò một chút, một là “Trạng thái tò mò”, và hai là ‘Một thứ gì đó giống như một trạng thái tự nhiên của con người sẽ luôn tồn tại trong bất kì hoàn cảnh nào’”. Thay vì cố gắng khiến cho con trẻ trở nên “tò mò hơn”, Thầy Cô và Cha Mẹ nên tập trung vào việc tạo ra những khoảnh khắc kích thích sự tò mò của các con qua những cách sau:
Nhấn mạnh sự mơ hồ. Trẻ em 4 tuổi hoàn toàn có thể nhận ra được sự mâu thuẫn trong câu chuyện được kể, hay sự chênh lệch giữa một phỏng đoán giả định và một sự việc trên thực tế. Những khác biệt này sẽ tự động khơi dậy sự tò mò ở trẻ.
Giúp học sinh nhận ra những lỗ hổng trong kiến thức hiện tại. Bonawitz và các nhà nghiên cứu khác cũng gợi ý rằng khi trẻ cảm thấy lời giải thích của thầy cô hay sự hiểu biết của bản thân không đủ, chúng sẽ tự tìm kiếm thêm thông tin để giải đáp cho những khúc mắc ấy.
Khuyến khích trẻ đưa ra các dự đoán và đưa ra các giả định của chúng về thế giới xung quanh thông qua những bộ các câu hỏi phù hợp được thiết kế để hướng sự chú ý của trẻ đến một vấn đề cụ thể. Bonawitz gọi đây là những “câu hỏi mang tính sư phạm”. Từ đó, trẻ có thể dễ dàng liên kết đến những hiểu biết trước đó của bản thân, dần dần chúng sẽ cảm nhận được sự khác nhau giữa kiến thức mình đã biết và kiến thức mới được học, để rồi từ đó chúng sẽ điều chỉnh góc nhìn của bản thân theo hướng hợp lý hơn.
Hầu hết các cách chúng tôi đo lường và đánh giá sự tò mò không thực sự đo được sự tò mò.
Thông thường, những người làm giáo dục, cha mẹ hay thậm chí những nhà nghiên cứu bỏ công tìm kiếm những bằng chứng về sự tò mò của trẻ em trong hành động của chúng thay vì tìm hiểu xem “Tâm trạng bên trong” của trẻ thực sự ra sao.
Bởi lẽ đó, Bonawitz lưu ý rằng, chúng ta thực sự không thể biết được điều gì đang xảy ra bên trong tâm trí của một đứa trẻ. “Sẽ có một số hành động khiến ta lầm rằng đứa trẻ này đang tò mò ở một đứa trẻ còn đứa trẻ khác thì không, tuy nhiên, không phải bất kì sự quan sát nào cũng đúng. Có nhiều đứa trẻ rất tò mò, nhưng hành động của các con lại không thể hiện được sự tò mò đó”. Thực chất, có nhiều yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến việc trẻ có đang thực sự hành động theo sự tò mò của chúng hay không. Vậy chúng ta nên làm gì?
Mô phỏng trí tò mò cho trẻ. Cha mẹ và những người làm giáo dục nên cho trẻ thấy rằng khám phá thế giới là một đức tính quý báu và điều này được thể hiện thông qua những hành động và khám phá của chính trẻ.
Giúp trẻ em tin rằng sự tò mò của chúng sẽ được đền đáp. Thông thường, trẻ em sẽ không hành động theo sự tò mò của chúng vì chúng thường không cảm thấy tự tin vào khả năng giải quyết những câu hỏi đặt ra từ sự tò mò của bản thân. Tuy nhiên, nền tảng kiến thức từ những khám phá sơ khởi này có thể xây dựng sự tự tin và độc lập ở trẻ.
Giảm thiểu chi phí hoặc rào cản từ việc theo đuổi sự tò mò ở trẻ. Trẻ em thường cảm thấy không có đủ thời gian để đặt câu hỏi cũng như việc chúng sẽ bị các bạn cười chê nếu như đặt câu hỏi quá nhiều. Hãy cam đoan với trẻ rằng dù trong lớp học hay ở nhà đều là không gian thoải mái để trẻ đặt câu hỏi.
Không phải lúc nào chúng ta cũng muốn học sinh thể hiện tính tò mò của mình.
Khi một đứa trẻ quá tập trung giải quyết một vấn đề, chúng có thể bỏ lỡ những thông tin mới có ích hơn. Những kỹ năng liên quan đến việc đưa ra quyết định này - như kỹ năng điều hành hoạt động thúc đẩy quá trình siêu nhận thức này - có thể mất nhiều thời gian để phát triển hoàn toàn.
Bonawitz nhận định rằng: “Những kỹ năng này yêu cầu sự kết hợp từ nhiều bộ phận não bộ chưa hoàn thiện vào những năm đầu khi trẻ học tiểu học. Vì vậy, khi chúng ta nghĩ đến việc làm sao để khuyến khích sự tò mò, chúng ta nên cân nhắc việc phải đánh đổi giữa điều này với sự phát triển toàn diện các kỹ năng khác: ví dụ như khả năng luân phiên thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.”
Giúp trẻ tự đánh giá những đánh đổi của mình. Ngoài việc khuyến khích sự khám phá, ta nên chú ý đến việc khuyến khích trẻ em đánh giá khi nào thì nên làm theo những hiểu biết chúng đã có, và khi nào thì nên suy nghĩ những hướng đi mới. Điều này có thể hữu ích trong việc thiết lập mục tiêu học tập tiếp theo.
Xây dựng nền tảng kiến thức cụ thể. Chỉ dẫn trực tiếp có thể là một cách hiệu quả để giúp trẻ nhanh chóng tìm hiểu những hiểu biết trọng yếu để hỗ trợ việc phát triển những hiểu biết nâng cao hơn. Do đó, nếu ta có thể truyền tải những thông tin quan trọng từ ban đầu, ta sẽ dễ dàng thúc đẩy quá trình tự học xuất phát từ sự tò mò ở trẻ sau này.
Tạm kết:
Hãy bắt đầu với niềm tin rằng mọi đứa trẻ đều tò mò.
Thiết kế một môi trường mà trẻ cảm thấy chúng có thể thoải mái đặt câu hỏi và có sự hỗ trợ cần thiết để hướng dẫn trẻ khám phá kiến thức sâu hơn.
Tạo cơ hội cho trẻ phát triển quá trình siêu nhận thức thông qua việc xây dựng những kỹ năng điều hành cũng như các cơ hội để khám phá và đặt câu hỏi về thế giới xung quanh.
---
Biên dịch: IEG Foundation
Comments