top of page

Luyện “thủy thủ” cho con tàu thế kỷ 21: các kỹ năng nền tảng

trungnguyen9

Cụm từ “Kỹ năng Thế kỷ 21” được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2009 và tăng nhanh đột biến từ đó. Trong thế giới nhiều đổi thay và đột phá, thì các kỹ năng cứng mà trường học, thầy cô, lẫn bố mẹ vẫn đang nhồi và luyện cho học sinh đang dần trở nên quá tải một cách không cần thiết.


Các trường đại học giáo dục khai phóng xem những “Kỹ năng Thế kỷ 21” là kỹ năng nền tảng dù sinh viên theo học bất cứ ngành học nào. Mọi nơi đang thay đổi như vũ bão để xoay chuyển chương trình học, phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá, nhằm giúp cho học sinh, sinh viên trang bị thật tốt trước khi bước vào cuộc đời nhiều biến số.


Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần tập trung giúp học sinh phát triển những kỹ năng nền tảng này, để học sinh bắt kịp chuyến tàu Thế kỷ 21 đã nhổ neo… cách đây 20 năm.


 

Hợp tác & Giao tiếp


Hợp tác và giao tiếp là bản năng, là nhu cầu cơ bản của con người. Từ bé, trẻ con phát triển nhanh chóng ngôn ngữ giao tiếp thông qua vui chơi, tương tác với người khác. Thế nhưng, bắt đầu từ cấp một, đến cấp hai và đỉnh điểm là cấp ba, cơ hội để học sinh cùng nhau hợp tác và sáng tạo, giải quyết vấn đề dường như càng ngày càng hiếm hoi.


Phần lớn thời gian, học sinh chỉ tương tác với sách vở, phiếu bài tập. Kể cả những kỳ thi đang khoác lên người lũ trẻ thật nhiều huy chương, giải thưởng, và hầu như rất ít dòm ngó đến năng lực hợp tác và giao tiếp. Kết quả là nhiều học sinh có thành tích rất xuất sắc nhưng lại không biết điều chỉnh cách nói chuyện và hợp tác tùy vào ngữ cảnh, đối tượng, mục đích.


Có thể hàng trăm nghìn tờ phiếu bài tập và hàng trăm nghìn giờ học luyện thi đã làm cho hai năng lực này chết ngắc ngư trên những trang giấy?


/Thiết kế: Thanh Đặng - Điều chỉnh: IEG Foundation - Cảm hứng từ: Educational Leadership magazine - Sept 2014 - "Motivation matters" (pg.18-19)/




Tư duy phản biện


Những người có tư duy phản biện tốt có thể nhìn thấy một sự vật, sự việc chi tiết ăn khớp thế nào với bức tranh tổng thể. Trước khi kết luận về một vấn đề, họ bao giờ cũng dừng lạiphản chiếu về chính vấn đề đang được đặt ra, cân nhắc những cách nghĩ khác nhau, chứ không chụp vội một cách nghĩ nghe chừng có vẻ đúng, hoặc phổ biến nhất. Họ lại càng không vô thức nói lên những điều mà chính bản thân họ không hiểu vì sao mình lại nói như thế.


Họ có thể giở tung các vấn đề và luận điểm để tìm ra những nguyên tắc nền tảng bên dưới, từ đó đưa ra những giải pháp mang tính bản chất, chỉnh sửa gốc rễ bên trong. Đặc biệt, họ có thể khéo léo, tài tình nắm bắt những sắc màu, ý tưởng ở lĩnh vực này và chuyển đổi, áp dụng rất khôn khéo, sáng tạo qua những lĩnh vực khác, dẫu nhiều khi hai lĩnh vực tưởng chừng chẳng “họ hàng” gì với nhau.


Willard Marriott Jr., chủ tịch và CEO của Tập đoàn Marroitt, đã phát biểu:

Để thành công trong thế giới việc làm ngày nay, những người trẻ cần nhiều hơn là kỹ năng đọc và làm toán. Chúng cần kiến thức thật sự sâu, năng lực tư duy cao, khả năng thích ứng với những thay đổi, và năng lực làm việc với nhiều người trong những đội ngũ đa văn hóa và đa chức năng.

Việc giảng dạy theo kiểu luyện thi và giải đề, cũng như việc cho học sinh quanh năm suốt tháng phải ngốn bạt ngàn phiếu bài tập không giúp ích gì mấy. Chúng vẫn đói kém tư duy phản biện. Trong khi đó, những trang sách từ nhiều lĩnh vực, được viết ra bởi những tư duy lớn của nhân loại từ xưa đến nay, mới chính là nơi mà tư duy phản biện được ươm mầm, bén rễ và chờ ngày nở hoa.



Tư duy sáng tạo


Trong các kỹ năng do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá là quan trọng cho thế giới việc làm năm 2022, thì tư duy phân tích và đột phá nắm vị trí quán quân, và sáng tạo ở vị trí số 3.


Thói quen sáng tạo bắt đầu từ những điều giản đơn: đọc sách mỗi ngày, quan sátđể ý những điều đang diễn ra, suy nghĩ về những gì ẩn dưới bề nổi, và trả lời những câu hỏi tư duy bậc cao: động cơ, nguyên nhân là gì; có những cách giải thích nào khác không; hệ quả là gì; sự khác biệt và giống nhau ở đâu; tại sao thế này mà không phải thế kia; có cách giải quyết nào khác không; điều gì sẽ xảy ra nếu như,…


Những câu hỏi nho nhỏ ấy chính là tiền đề quan trọng cho sáng tạo được nảy mầm và mai kia bừng nở khi thói quen tư duy được thực hiện nhiều lần, trở thành tự động và vô thức như là hơi thở.


/Thiết kế: Thanh Đặng - Điều chỉnh: IEG Foundation/


Những gì quan sát, cảm nhận và suy nghĩ được nếu như được neo lại ở đâu đó, trong cuốn nhật ký, file ghi chép, hay trong những dòng tâm trạng Facebook, thì còn gì tuyệt bằng. Sau một thời gian lưu trữ những suy nghĩ ngẫu nhiên ấy, học sinh sẽ tình cờ chạm đến bản chất của nhiều điều và cứ thế mà tung hứng với những ý tưởng sáng tạo. Đó chính là mạch nguồn của sáng tạo, là trạng thái Flow (thăng hoa) mà giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi – chuyên gia nghiên cứu về Sáng Tạo – đã quan sát được ở những con người thăng hoa, những “phù thủy sáng tạo” trong nhiều lĩnh vực.




“Cày xới” kiến thức


Eric Schmidt, đồng sáng lập Google, đã ước tính cứ hai ngày nhân loại chúng ta tạo ra một lượng thông tin ngang ngửa với những gì đã tích lũy từ lúc nền văn minh đầu tiên ra đời cho đến năm 2003. Vì vậy, dù có cố gắng nhồi nhét thật nhiều kiến thức, thì cái đầu chúng ta cũng chỉ có thể chứa được một lượng kiến thức rất ít ỏi và tỉ lệ phần trăm của những gì chúng ta biết so với tổng kiến thức nhân loại càng ngày càng giảm.


Do đó, điều quan trọng để thành công trong thế giới sáng tạo này không phải là chúng ta biết những gì, mà là chúng ta có thể làm gì với những điều chúng ta biết.



/Thiết kế: Thanh Đặng - Điều chỉnh: IEG Foundation/


Nếu học sinh cứ nạp kiến thức cốt chỉ để biết và khoanh tròn mấy ô trắc nghiệm trong bài kiểm tra, thì những kỹ năng trắc nghiệm ấy cũng sẽ bị chính Internet và Google làm cho lỗi thời. Một học sinh thành công và làm chủ tương lai cần biết và phải biết cách làm chủ kiến thức, dùng tư duy để phân tích, “chơi đùa” với các ý tưởng, vận dụng và sáng tạo kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống, thay vì tiêu thụ chúng một cách thụ động.


 

Daniel Pink, tác giả A Whole New World – Một thế giới mới toanh – đã nhận định:

Tương lai thuộc về những người sáng tạo và đồng cảm, những người nhận ra được các quy luật, và những người tạo ra được ý nghĩa. Những người này – là các nghệ sỹ, nhà sáng chế, nhà thiết kế, người kể chuyện, người tư vấn, những người tư duy tổng thể – sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp và hạnh phúc nhất trong xã hội.

Trách nhiệm của bố mẹ và những người làm giáo dục là giúp cho học sinh trang bị những kỹ năng thiết yếu để chúng có thể tự tìm hoặc tự tạo ra con đường đi phù hợp nhất với mỗi đứa, tránh cái cảnh chông chênh, lạc lõng, hoang mai ngày chúng bước ra biển lớn với khát khao được Khai Phóng.


(*Bài viết là chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu)


1 view0 comments

Comentarios


bottom of page