Bài viết Học chủ động (3) - Thực sự đang học hay cảm giác mình đang học? phân biệt giữa thực học (actual learning) và cảm giác học (feeling of learning). Một trong số các phương pháp để kích hoạt việc học chủ động/thực học là phương pháp POGIL (Process oriented guided inquiry learning).
POGIL (đọc trại: Pô-gô)
là phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm và định hướng cho người học được tự khám phá và xây dựng kiến thức thông qua các hoạt động thảo luận nhóm có định hướng bởi giáo viên.
Trong phương pháp dạy học này, người dạy không còn giữ vai trò thuần “cung cấp thông tin”, mà thay vào đó, là định hướng để người học tự xây dựng kiến thức cho riêng mình [5].
*Bài viết chi tiết về POGIL: Phương pháp dạy học đột phá: POGIL
POGIL trên môi trường học online - có thể không?
Trước những e ngại rằng việc dạy-học online mới được triển khai trong mùa dịch bệnh gần đây có thể khiến học sinh thụ động hơn vì thiếu tương tác trực tiếp, thì từ năm 2003, nghiên cứu của Meyer [6] đã chỉ ra rằng: môi trường học online hoàn toàn có thể kích hoạt tư duy bậc cao của học sinh, dựa vào phần lớn các góc trao đổi nhóm.
Điểm mấu chốt nằm ở việc xác định được loại suy nghĩ mà ta muốn hướng học sinh để phát triển (ví dụ: đóng góp phát triển ý kiến của bạn khác, đặt câu hỏi cho vấn đề các em cảm thấy còn mơ hồ, đề xuất cách giải quyết vấn đề được đưa ra, chia sẻ thêm kinh nghiệm cá nhân/các cách giải quyết khác cho vấn đề,...), để từ đó có cách để khuyến khích các em phát triển những hướng tư duy đó trong việc bàn luận.
*Từ điểm này, chúng ta lại nhớ đến 03 đặc điểm lớn của phương pháp POGIL:
1 - việc kết hợp 02 loại câu hỏi convergent (câu hỏi đóng) và divergent (câu hỏi mở)
2 - kiểm soát thời gian của cuộc tranh luận (time management)
3 - phân chia vai trò trong buổi tranh luận (role assignment)
Hiện tại tổ chức POGIL (pogil.org) vẫn đang cập nhật cách thức để thực hiện cách dạy - học này trên môi trường trực tuyến, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thảo luận cách ứng dụng dựa trên mục tiêu bài học, đặc điểm của học sinh, và 03 đặc điểm lớn của POGIL nêu trên.
*Trong khi yếu tố 1 phụ thuộc nhiều vào giáo viên, thì 02 yếu tố còn lại hoàn toàn có thể thực hiện được trên môi trường học trực tuyến với một số gợi ý sau:
2 - Chia sẻ việc bấm giờ (countdown trên Google) cho cả lớp; nếu chia nhóm các em để bàn luận, giáo viên tham gia hộp chat và nhắc nhở về thời gian.
3 - Gợi nhắc các em về vai trò trong nhóm, có thể cân nhắc chỉ định bạn Recorder (Thư ký) của từng nhóm đại diện nhóm để “nhắn tin” trước toàn lớp, hoặc đăng suy nghĩ lên các nền tảng ẩn danh như padlet.
Ngoài ra, nếu sử dụng Google Slides hay Google Docs cho thảo luận nhóm, ta có thể chia vai theo màu sắc, ví dụ: bạn Thư Ký gõ chữ màu đỏ, bạn Trưởng nhóm màu xanh lá,... (việc này sẽ giúp chúng ta phần nào kiểm soát được bạn nào đã tham gia đóng góp).
*Bài viết được tổng hợp và phân tích bởi IEG Foundation.
*Trích dẫn:
[5] Trích dẫn trong tài liệu hội thảo PEN 2019.
[6] Meyer, K. A. (2003). Face-to-face versus threaded discussions: The role of time and higher-order thinking. Journal of Asynchronous Learning Networks, 7(3), 55-65. Retrieved at http://itecideas.pbworks.com/f/v7n3_meyer.pdf
Comments