Vô vàn dữ liệu thống kê từ các viện đại học, tổ chức giáo dục, cơ quan nghiên cứu, sách và tạp chí có uy tín đã ghi lại dữ liệu về sự lãnh đạm của phụ huynh và học sinh dành cho các ngành giáo dục khai phóng. Theo Integrated Post-Secondary Education Data System (Hệ thống dữ liệu tích hợp giáo dục đại học và sau đại học) thuộc Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (National Center for Education Statistics), Hoa Kỳ, thì trong giai đoạn 9 năm, từ niên khoá 2007-2008 đến 2015-2016, số lượng bằng cử nhân cấp cho các ngành đào tạo nghề đặc thù tăng mạnh, từ 50% đến gần 90% (nhóm ngành Kinh doanh). Ngành có số lượng tăng thấp nhất (Khoa học Xã hội) cũng tăng 8%. Duy có các ngành Nhân văn, đặc thù của các ngành khoa học khai phóng, đều giảm.
Bảng 1: Thay đổi về tỉ lệ bằng cử nhân đã cấp cho một số ngành học chọn lọc
Nguồn: Tổng hợp theo IPEDS, National Center for Education Statistics, và Schneider & Sigelman (2018)
Sự sụt giảm lượng sinh viên hứng thú với các ngành học thuộc mảng giáo dục khai phóng, đặc biệt là khối ngành xã hội và nhân văn, dĩ nhiên không phải chỉ bắt đầu mới đây. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, các bậc phụ huynh và học sinh đã bắt đầu thể hiện sự bất mãn trước một chương trình học mà họ cho là ‘không chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết sau ra trường.’ Vì thế, từ giữa giai đoạn 1985 đến 2010, rất nhiều trường học theo mô hình giáo dục khai phóng phải lồng ghép nhiều yếu tố, khoá học đào tạo nghề để duy trì lượng sinh viên nhập học. Kết quả là nhiều trường nghiên hẳn sang hướng đào tạo nghề, và ít chú trọng hơn về nguyên lý cốt lõi của giáo dục khai phóng.
Bảng 2: Tỉ lệ phần trăm sinh viên các trường đại học khai phóng có bằng cử nhân có các khoá đào tạo nghề, niên khoá 1986-87 và 2007-08 (theo Ferrall (2011))
Chú thích: Tier, phân loại các trường theo mức độ nổi tiếng, phổ biến của trường. Các trường trong Tier I gồm những trường top như Duke, Harvard, hoặc một số trường đại học khai phóng thuộc top đầu như Williams College, Swarthmore College, Amherst College, v.v. Tier càng lên cao thì thứ hạng (và mức độ nổi tiếng) của trường càng giảm. Nói vậy không có nghĩa là chất lượng giáo dục của các trường này không bằng các trường thuộc tier cao hơn.
Thay đổi không chỉ diễn ra chậm rãi trên những con số hay dữ liệu thống kê. Ví dụ về thay đổi đường đột là một trong những trường Đại học lớn ở bang Wisconsin, Hoa Kỳ: trường Đại học Wisconsin tại Stevens Point.
Năm 2018, trường đề nghị cắt bỏ hoàn toàn 13 ngành khoa học khai phóng và nhân văn, bao gồm một số ngành như Hoa Kỳ học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Âm nhạc, Triết học, v.v. Sau khi vấp phải phản đối từ phía sinh viên, trường giữ lại 7 và vĩnh viễn loại 6 ngành ra khỏi chương trình học của trường.
Những con số và sự kiện kể trên không khỏi khiến nhiều người ngẫm nghĩ, rằng phải chăng giáo dục khai phóng đang trên con đường đến với sự suy tàn của chính nó.
"PHẢI CHĂNG GIÁO DỤC KHAI PHÓNG ĐANG TRÊN CON ĐƯỜNG SUY TÀN CỦA CHÍNH NÓ?"
Một trong những nguyên nhân khiến quý phụ huynh, và một bộ phận nhỏ các bạn học sinh, không mấy mặn mà với giáo dục khai phóng có lẽ chính là nỗi lo về nghề nghiệp. Dĩ nhiên, nỗi lo này không phải là không có cơ sở. Rõ ràng, các nhà tuyển dụng thường đòi hỏi bằng cấp chuyên môn tại thời điểm sinh viên nộp đơn xin việc. Chưa kể đến việc thu nhập của nhóm sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học khai phóng thấp hơn nhiều so với nhóm sinh viên có ngành học cụ thể tại thời điểm mới ra trường.
Thực tế về thu nhập của sinh viên tốt nghiệp từ các ngành đào tạo nghề cụ thể, và sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học khai phóng là như thế nào? Dữ liệu thu thập được từ cơ quan Burning Glass Technologies, Cục Thống kê Lao động (Hoa Kỳ), do hai tác giả Schneider và Sigelman (2018) sắp xếp (Bảng 3), cùng dữ liệu thu được từ Khảo sát Cộng đồng người Mỹ (American Community Survey), giai đoạn 2009-12 (Bảng 4) sẽ cung cấp một cái nhìn chân thật hơn về vấn đề này.
Bảng 3: Mức lương trung bình theo nhóm ngành nghề
Nguồn: Schneider & Sigelman (2018), Burning Glass Technologies (2018), Bureau of Labor Statistics (2017), Occupational Employment Statistics (2017)
*Dữ liệu được thu về từ khoảng hơn 70 triệu hồ sơ của các ứng viên có liệu kê mức lương khi xin việc mới.
**STEM: các nhóm ngành Science, Technology, Engineering, Mathematics (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học)
Bảng 4: Trung vị mức thu nhập cho các cử nhân của một số nhóm ngành chọn lọc (2009-12)
(theo American Community Survey (2009-16))
Lưu ý: Dữ liệu này chỉ có giá trị tại Hoa Kì. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, một sinh viên có bằng của một viện giáo dục cao cấp của một trường đại học lớn tại Mĩ có thể là một ứng viên ưa chuộng của các tập đoàn đa quốc gia, dẫu sinh viên có theo học các ngành khoa học khái phóng đi chăng nữa. Trong những trường hợp đó, dữ liệu mang nặng tính lí thuyết, và ít có giá trị tham khảo thực tiễn.
Theo số liệu, rõ ràng thu nhập của các sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học khai phóng và khoa học cơ bản không cao được như thu nhập của các sinh viên tốt nghiệp từ các ngành giáo dục định hướng nghề đặc thù. Tuy nhiên, càng lên cao, sau 5 và 10 năm, sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học khai phóng và khoa học cơ bản dần dần thu hẹp khoảng cách về thu nhập.
(Còn tiếp)
*Biên tập bởi đội ngũ IEG Foundation
----------
Ferrall, V. (2011). Liberal arts at the brink. Cambridge, Mass.: Harvard University Press.
Schneider, M. & Sigelman, M. (2018), Saving the Liberal Arts, American Enterprise Institute
Comments