top of page
trungnguyen9

Lùi lại - Để con tiến lên

Gửi những đồng nghiệp giáo viên,


Bạn đã bao giờ gặp tình huống thế này chưa?

Bạn cố gắng hướng dẫn cho học trò cách hoàn thành bài tập, hướng dẫn chi tiết vô cùng, và cuối cùng, học trò bạn thốt lên rằng các con không làm được đâu.


Và đây là chuyện của tôi.


Ngày đó, tôi dạy học sinh từ khối ba đến khối năm về thế năng và động năng, tôi yêu cầu các em sử dụng những ống cách nhiệt, kèm với một số vật liệu tái chế khác để thử chế tạo ra mô hình tàu lượn siêu tốc với một viên bi.


Với mọi sự chuẩn bị và tâm huyết, tôi đi đến từng bàn, chỉnh sửa từng mô hình, và thở phào khi thấy mô hình nào cũng được thiết kế chính xác như cách tôi hướng dẫn. Em học sinh nào cũng rất phấn khích. Cứ thế, cứ đi tới từng bàn để giúp đỡ từng em học sinh với từng mô hình của chúng.


Và rồi, một học trò tôi thốt lên:

"Em không làm được đâu! Em không giỏi các môn Khoa học Tự nhiên."

Như một phản xạ, tôi lập tức cảm thấy lo lắng, vì mình đã chuẩn bị kỹ thế kia, hướng dẫn chi tiết đến vậy cơ mà? “Không ổn rồi!” - tôi nghĩ. Thực tế, không ít lần tôi có suy nghĩ này - một suy nghĩ mà một giáo viên như tôi sẽ tìm mọi cách để không phải sử dụng tới.


Rốt cuộc, vấn đề nằm ở đâu?

Tôi mất 10 năm để mọ mẫm ra câu trả lời:


Thay học sinh giải quyết những khó khăn sẽ nhất thời làm giảm bớt khả năng xử lí tình huống của em học sinh đó, về lâu về dài, nó còn làm suy giảm động lực cố gắng. Trong trường hợp trên, việc “cầm tay chỉ việc” (hướng dẫn và giám sát chi tiết buổi học) là một hình thức của việc “thay học sinh giải quyết” vấn đề.



Hướng dẫn dành cho học sinh nên chi tiết tới mức độ nào?


Trong một nghiên cứu gần đây, tôi và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng khi được người lớn trực tiếp và vội vã giúp đỡ ở một vấn đề hoàn toàn mới lạ, các con dễ bỏ cuộc sớm ở những vấn đề tương tự sau này.


Các con thường coi sự trợ giúp trực tiếp từ người lớn là minh chứng cho việc chúng không có khả năng hoặc người lớn sẽ luôn giúp chúng giải quyết những vấn đề mới. Điều này vô tình trở thành rào cản cho những lời khuyên "Nỗ lực hơn nữa nhé!"


Mong muốn giúp đỡ khi thấy con gặp khó khăn là lẽ thường tình. Tuy nhiên, trực tiếp hỗ trợ không hẳn là một sáng kiến ​​hay. Thay vì trực tiếp hỗ trợ, hãy giúp con nhận ra những phương án khả thi mà chúng có thể tự mình áp dụng để giải quyết vấn đề.



Học trò ta cần được biết: chúng có khả năng tự giải quyết vấn đề.


Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc đưa ra /gợi ý/ cho con và trực tiếp hỗ trợ chúng.


Đừng can thiệp vào những khó khăn của các con khi chúng chưa nỗ lực hết mình để vượt qua. Và càng đừng nên can thiệp khi các con còn chưa yêu cầu sự giúp đỡ.


Hãy cho con một số gợi ý cũng như thời gian để giải quyết một vấn đề. Hãy hỏi các con rằng, “Giờ con thử làm theo cách…. thì kết quả thay đổi thế nào?” Hãy tin tưởng vào khả năng học hỏi của con, để rồi một lúc nào đó, chắc chắn chúng sẽ trở thành những người độc lập trong cuộc sống.


Tạm kết:

  • Đừng giúp đỡ ngay lập tức, vì điều này làm giảm khả năng xử lí tình huống của con.

  • Đừng vội tìm cách giải quyết vấn đề thay con, nếu con đủ khả năng tự xoay xở và chưa nhờ tới sự giúp đỡ.

  • Hãy đưa ra một số gợi ý để giúp con giải quyết một vấn đề.

  • Hãy cho phép bản thân được tin vào khả năng tự học, sáng tạo, và vượt khó của con.


*Nguồn: CharacterLab - Step back (https://characterlab.org/tips-of-the-week/step-back/)

*Biên dịch: IEG Foundation



2 views0 comments

Comments


bottom of page