top of page
Writer's pictureIEG Foundation

Cùng các con lập kế hoạch năm mới

Không chỉ với người lớn, một năm mới với các con cũng chính là cơ hội để xây dựng một phiên bản mới mẻ hơn, chiêm nghiệm về hành trình đã qua và thiết lập kế hoạch để trau dồi cũng như hoàn thiện bản thân mình.


Là một người đồng hành gần gũi với các con, thầy cô chắc hẳn sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc để các con từng bước khởi đầu trên những chặng đường sắp tới. Những ngày đầu năm luôn là thời điểm tuyệt vời để trò chuyện với các con về những dự định trong năm. Nhân cơ hội này, thầy cô hãy cùng IEG Foundation tham khảo cách thiết kế hoạt động lập kế hoạch cho năm mới cùng các con nhé!



1. Chuẩn bị tinh thần

Đầu tiên, thầy cô hãy thăm dò xem các con đã có dự định nào cho năm mới chưa. Sau đó, ta có thể mời các con chia sẻ ý tưởng theo nhóm hai người rồi trình bày trước lớp nếu được. Thậm chí, thầy cô có thể tham gia cùng và kể cho các con nghe về kế hoạch của mình. Mục đích của quá trình này là “lên dây cót” tinh thần trước khi các con thực sự bước vào quá trình đặt mục tiêu. Nếu con nào không có nhu cầu chia sẻ thì cũng không sao hết, bởi điều đó chỉ đơn giản là các con muốn giữ ý kiến cho riêng mình.

2. Tìm hiểu các hình thức lập mục tiêu

Khi lên kế hoạch cho năm mới, việc giúp các con ý thức được những yếu tố mà bản thân CÓ THỂ kiểm soát là một trong những điều quan trọng nhất. Điều này cũng có nghĩa là các con đã có thể làm chủ những sự lựa chọn của bản thân và tự tạo ra những thay đổi cho chính mình. Việc này thường đạt hiệu quả cao nhất khi các con được tiếp xúc với một phạm vi lớn các khả năng khác nhau thay vì bị giới hạn bởi chính những gì các con tự nghĩ ra.

 

Vì vậy, thầy cô hãy dành thời gian tìm hiểu về những cách thức lập mục tiêu phổ biến. T có thể ghi các ví dụ lên bảng trước rồi phân loại chúng theo các chủ đề khác nhau. Cách làm này còn được biết tới với tên gọi phương pháp học quy nạp. Thầy cô cũng có thể phân các con theo nhóm để chia sẻ hoặc thậm chí chuẩn bị sẵn danh sách các ví dụ để tiết kiệm thời gian.

 

Các mục tiêu có thể được phân loại như sau:

Mục tiêu sức khoẻ: ăn ít đồ ăn vặt hơn, tập thể dục nhiều hơn, cải thiện chất lượng giấc ngủ, …

 

Mục tiêu học tập: sắp xếp khung giờ cố định để làm bài tập về nhà, hệ thống lại tài liệu học tập, …

 

Mục tiêu trong các mối quan hệ: trở thành người lắng nghe tốt hơn, ngưng đàm tiếu, dành nhiều thời gian hơn với gia đình, …

 

Mục tiêu phát triển bản thân: học một kỹ năng mới, tìm hiểu một sở thích mới, dành ít thời gian hơn cho thiết bị điện tử, …

 

Sau khi các con đã khám phá đủ nhiều, các con có thể lựa chọn ít nhất một loại mục tiêu cho năm mới.

 

3. Thiết kế mục tiêu rõ ràng


Những mục tiêu năm mới thường khó thành công vì chúng ít khi được định nghĩa một cách rõ ràng hoặc thường khó để đo đạc cụ thể. Một mục tiêu như “ăn uống lành mạnh hơn” không dễ để theo dõi hay là đo lường. Một mục tiêu quá chung lại dễ khiến chủ nhân bỏ ngang giữa chừng.


Vì vậy, thầy cô có thể hướng dẫn các con cách "hoá phép" một mục tiêu từ mơ hồ trở nên cụ thể hơn. Ví dụ, mục tiêu “quan tâm tới chú cún của tôi nhiều hơn” có thể thay đổi thành “dành 10 phút mỗi ngày chơi với chú cún của tôi”. Các con có thể tập làm quen với phương pháp thiết kế mục tiêu S.M.A.R.T (S: Specific - cụ thể, M: Measurable - có thể đo lường, A: Achievable - khả thi, R: Relevant - thuộc tầm nhìn dài hạn, T: timebound - có thời hạn) để dần viết ra những mục tiêu hội tụ cả 5 yếu tố.

 

Đôi khi, các con sẽ có những mục tiêu dài hạn và phức tạp hơn, ví dụ như “học nấu ăn”. Với trường hợp này, các con có thể nghĩ về “đích đến” trước, tức là hình dung những gì sẽ xảy ra khi mục tiêu được hoàn thành. Chẳng hạn, một người biết nấu ăn có thể chế biến một số lượng nào đó các món ăn một cách dễ dàng. Khi đó, các con có thể quyết định nên chọn con số đó là bao nhiêu và tự đặt thời hạn để học được cách nấu những món ăn đó.

4. Theo dõi tiến độ

Đầu tiên, chúng ta nên giải thích với các con rằng việc theo dõi tiến độ kế hoạch sẽ giúp tăng khả năng hoàn thành mục tiêu hơn. Sau đó, thầy cô có thể tiến hành hướng dẫn các con cách thực hiện quá trình này.

 

Bởi vì các con có rất nhiều mục tiêu khác nhau, cách theo dõi tiến độ từng mục tiêu cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Diễn biến của số kế hoạch có thể thay đổi hàng ngày, ví dụ như việc thời gian dành cho thú cưng. Với trường hợp này, các con có thể theo dõi thời lượng số phút các con dành cho thú cưng mỗi ngày và cập nhật vào bản kế hoạch.

 

Đối với những mục tiêu dài hạn hơn, các con có thể phân thành nhiều chặng nhỏ dẫn tới mục tiêu cuối cùng. Ví dụ, để “học được cách nấu 4 bữa sáng trong tháng 9”, con có thể chia thành 4 tuần và dành mỗi tuần để học cách nấu một món ăn sáng khác nhau.

5. Phản tư và đánh giá

Xuyên suốt quá trình này, thầy cô hãy dành thời gian trong lớp để các con đánh giá lại kế hoạch của mình. Một số yếu tố để các con cân nhắc bao gồm: kế hoạch có đang đi đúng hướng chưa, các trở ngại đang gặp phải là gì, hay việc theo đuổi đã thay đổi cuộc sống hàng ngày của các con như thế nào. Các con có thể thực hiện việc đánh giá này lần đầu tiên vào một tuần sau khi kế hoạch bắt đầu và thêm hai lần nữa cho tới khi mục tiêu hoàn thành.


Trong những buổi này, thầy cô có thể chia sẻ tiến độ của mình, đồng thời tiếp thêm tinh thần cho các con. Chẳng hạn, ta có thể khích lệ các con rằng chúng ta luôn khám phá những điều mới mẻ về chính mình trong quá trình trưởng thành, và việc các con thay đổi mục tiêu dựa trên những hiểu biết mới về bản thân là điều hết sức bình thường.



Một số gợi ý bổ sung

 

Không nên chấm điểm: việc lên kế hoạch là một dạng hoạt động mang lại nhiều giá trị quý báu hơn nhiều ngoài điểm số hay nghĩa vụ học tập. Đồng thời, động lực nội tại của các con cũng thường cao hơn nếu bài làm không bị chấm điểm. Tuy nhiên, nếu thầy cô nghĩ rằng các con sẽ không tham gia khi nỗ lực không được ghi nhận, thầy cô có thể cho điểm dựa trên mức độ hoàn thành thay vì đánh giá tường tận bản kế hoạch của các con.

 

Dành thời gian thảo luận: mặc dù có thể các con đã nghe những người xung quanh trao đổi về những kế hoạch cho năm mới, đây vẫn có thể là lần đầu tiên các con có cơ hội thực hành làm điều này. Ngoài ra, những ý tưởng mà các con đã tiếp xúc có thể chỉ mới đến từ những người thân cận hoặc gần gũi. Vì vậy, việc mở rộng nguồn thông tin đến từ các đối tượng xa hơn như bạn bè trong lớp cũng có thể giúp các con khai phá nhiều tiềm năng hơn cho kế hoạch phát triển của mình.

 

Tôn trọng sự riêng tư của các con. Một số con có thể đang trải qua những vấn đề khó khăn khiến chúng cảm thấy ngần ngại khi chia sẻ với người khác. Ngay từ khi bắt đầu hoạt động này, hãy trấn an các con rằng nếu chúng muốn giữ bí mật về những mục tiêu của mình, thầy cô sẽ hoàn toàn tôn trọng điều đó.

 

Luôn đồng hành cùng các con. Các con sẽ càng nghiêm túc thực hiện kế hoạch hơn nếu người đồng hành trong quá trình này là người chúng luôn tin tưởng. Nếu giáo viên được lựa chọn để thay thế chưa có đủ tín nhiệm từ học trò của mình, thầy cô hãy để dành hoạt động này tới khi nào chính mình có thể dành toàn bộ thời gian để dẫn dắt các con.

---

Biên tập: IEG Foundation

Bài viết tham khảo: Helping Students Make New Year’s Resolutions: A Step-by-Step Plan

13 views0 comments

Comments


bottom of page