top of page
trungnguyen9

Giáo dục khai phóng - Chuyện từ Amherst và New York


Đây là 2 câu chuyện đến từ 2 người trẻ đã học tập và tốt nghiệp từ những trường đại học khai phóng ở Mỹ. Từ mông lung đến hứng thú với cách học của mô hình đại học khai phóng, và từ hoang mang đến tự tin về con đường nghề nghiệp sau tốt nghiệp, 2 câu chuyện sẽ đem lại những góc nhìn chân thực về trải nghiệm học tập từ đại học khai phóng tại Mỹ.




Chuyện 01 - Chuyện từ Amherst


Lá thư mời học từ Amherst cho mình bao nhiêu niềm háo hức về những năm tháng đại học sắp tới. Trên chuyến bay đầu tiên từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Boston năm đó, mình vẫn đinh ninh sẽ học Tâm lý hoặc Kinh tế - hai ngành khá "hot" của trường. Ấy vậy, suy nghĩ "Mình sẽ trở thành ai sau 4 năm học ở Amherst?" vẫn là trăn trở của mình.



Tinh thần khám phá


Sinh viên năm nhất không phải chọn “cứng” ngành học ngay từ những ngày đầu tới trường. Thay vào đó, chúng mình có quyền được chọn học thử nhiều khóa học nhập môn tùy ý trong suốt 3 học kỳ đầu, vì mô hình đại học khai phóng nhấn mạnh tinh thần khám phá.


Vẫn giữ chắc 2 lựa chọn Kinh tế và Tâm lý học, mình đăng ký thêm cả Toán, Âm nhạc, Hán ngữ, và Văn học Anh. 6 khóa nhập môn này đưa mình đến một kết luận mà mình trên chuyến bay Sài Gòn - Boston có lẽ sẽ không ngờ tới: mình không hợp với cả Tâm lý lẫn Kinh tế.


Không chút định hướng, trong năm Hai, mình theo học khóa nhập môn của một ngành mình chưa từng nghe tới - Xã hội học.



Tư duy liên kết - Tự tin vào suy nghĩ bản thân


Những ngày đầu ngồi trong lớp là chuỗi ngày mình choáng ngợp bởi sự tự ti và lo lắng.

Giơ tay phát biểu liên tục, thỉnh thoảng phản biện lại cả giảng viên - đây là hình ảnh của các bạn sinh viên Mỹ. Và đây là mình: im lặng loay hoay không biết ý kiến của mình có “đúng” và “đáng” phát biểu hay không. Mọi thứ diễn ra trong 60-80% của 50 phút lên lớp, xoay quanh các chủ đề về xã hội Mỹ, với những khái niệm mà mình nghiền ngẫm mãi vẫn thấy mơ hồ.





Tuy nhiên, dần dà, mình theo kịp mọi người, và tự tin hơn khi lên ý kiến do “được” buộc phải phát biểu nhiều hơn - ở những năm sau, các lớp được bố trí theo dạng nhóm nhỏ thay vì giảng đường lớn. Sự choáng ngợp ban đầu được thay bằng sự choáng ngợp bởi thế giới tri thức Xã hội học: cái cách mà các học thuyết trong lớp đều có thể được sử dụng để lý giải bản chất của các sự việc trong cuộc sống thực sự kích thích bộ não của mình. Và, từ một người chỉ quen thụ động “ngồi nghe" và tự ti về khả năng nói tiếng Anh lệch chuẩn, mình trở nên mạnh dạn hơn trong việc xây dựng và phát biểu ý kiến cá nhân - không chỉ để góp ý từ góc nhìn của một thiểu số, mà còn để trau dồi sự tự tin cho bản thân mình.


Ví dụ, hiểu về chế độ phân biệt chủng tộc ở Mỹ hóa ra lại có thể giúp ta liên hệ tới phân tầng xã hội (caste system) ở Ấn Độ, chế độ phân biệt chủng tộc “apartheid” ở Nam Phi, hay chính sách “chia nhỏ để trị” ở bất cứ xã hội nào. Hay, thông qua thuyết tài nguyên xã hội, mình có thể liên hệ và nhìn ra được bản chất của nhiều chương trình “affirmative action” (hỗ trợ các nhóm thiểu số hoặc thiệt thòi ở bậc Đại học) ở Mỹ hay chính sách cộng điểm thi đại học cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.


Những buổi học như vậy khiến mình nhận ra: một học thuyết ở lĩnh vực này hoàn toàn có thể được liên hệ để so sánh và tiếp cận một chủ đề thuộc lĩnh vực kia.

Giáo dục khai phóng không dạy câu trả lời, mà dạy cách nghĩ, liên kết và ứng dụng.

là vậy.


Không chỉ vậy, mình dần trở nên tự tin hơn vào suy nghĩ của bản thân - một tác dụng của việc “được” buộc phải phát biểu nhiều hơn do các lớp học ở các năm học sau được chia nhỏ, khác với các giảng đường lớn ở năm nhất.


Những buổi học như vậy khiến mình nhận ra: một học thuyết ở lĩnh vực này hoàn toàn có thể được liên hệ để so sánh và tiếp cận một chủ đề thuộc lĩnh vực khác. “Giáo dục khai phóng không dạy câu trả lời, mà dạy cách nghĩ, liên kết và ứng dụng” là vậy.



“Giáo dục khai phóng không dạy câu trả lời, mà dạy cách nghĩ, liên kết và ứng dụng”


Chuyện ra trường: Không nghề nào và Mọi nghề


Học ngành đó rồi sau này em tính làm gì?

Đó là câu hỏi muôn thuở mà hầu hết sinh viên sắp ra trường đều nhận được. Vấn đề là, không phải sinh viên nào cũng trả lời được. Mình cũng vậy - tới tận bây giờ. Nhưng không hẳn với một sự bất lực nào.


Những giá trị vô hình như tinh thần tìm tòi học hỏi và các kỹ năng biện luận, phân tích, nghiên cứu, và giao tiếp đã giúp mình phát triển bản thân nhiều hơn mình nghĩ. Với những hạt mầm quý đó trong tay, mình đã được nhận vào làm ở nhiều loại tổ chức trong suốt thời đại học: từ doanh nghiệp xã hội (IIX), doanh nghiệp tư nhân (Forbes Vietnam), tập đoàn đa quốc gia (P&G) cho tới tổ chức phi chính phủ (CSIP).


Giáo dục khai phóng không tập trung đào tạo chuyên ngành, mà đầu tư vào sự phát triển nhân cách và tư duy. Từ đó, người học được rèn luyện sự tự tin và chút liều để thử khám phá nhiều lĩnh vực mới - hay nói cách khác: để khám phá giới hạn của bản thân.



Học ngành đó rồi sau này em tính làm gì?
Em vẫn chưa biết, và em cũng có nhiều do dự và hoang mang. Nhưng, em tự tin là mình dám thử và sẽ thử được.



Tác giả:

Trần Thị Bảo Trân

Cử nhân Xã hội học, Đại học Amherst (Hoa Kỳ) Khoá 2016

Từng công tác tại tổ chức giáo dục tại San Francisco








 

Chuyện 02 - Chuyện từ New York



“Học bổng đại học Mỹ, tốt nghiệp hạng ưu với điểm Á khoa (Magna Cum Laude), kinh qua nhiều môi trường làm việc” - người ngoài có thể chỉ nhìn thấy những “mác giá” này của mình. Tóm tắt bằng gạch đầu dòng tiểu sử, thoạt nhìn qua tưởng thẳng tắp, nhưng sự thật, chặng đường mình kinh qua toàn là những đoạn đường vòng.


Bản cộng hưởng của các vùng tri thức/ Mọi kiến thức đều liên quan đến nhau


Những ngày đầu chân ướt chân ráo tới Adelphi, mình không thể ngừng hoang mang với triết lý Giáo dục Khai phóng của trường: yêu cầu sinh viên phải học rất nhiều, rất nhiều, rất nhiều môn học không liên quan gì đến nhau! Tâm lý, Chính trị, Lịch sử, Toán, Mỹ thuật, rồi thì Vật lý - mình của lúc đó không hiểu được lý do vì sao phải học những môn này với nhau. Điều này không thể thỏa mãn được câu hỏi “Học ngành gì bây giờ?” của mình lúc bấy giờ.


Mang theo những hoang mang về chuyên môn của mình, mình bước chân vào căn phòng phỏng vấn xin việc, tiếp sau là những vòng kiểm tra năng lực, ngay trong lòng New York.


01. Vì sao chúng tôi phải chọn em?

Em hiểu về Kinh tế vi mô, vĩ mô. Em cũng có khả năng về Mỹ thuật. Hai điều này tạo nên 1 sự sáng tạo mà em tin là phù hợp với sân chơi thực tập này.


02. Có bao nhiêu cửa sổ ở Manhattan?

Không có câu trả lời cụ thể. Vì “cửa sổ” có thể là những thứ phản xạ lại được ánh sáng. Kể cả những đôi mắt.


03. Đặt một tên mới cho Xbox.

Tự vẽ lại tên cho Xbox bằng một quy trình sáng tạo đầy ngẫu hứng, mình đậu. Cơ bản, người ta muốn thấy cách mình suy nghĩ, chứ không phải đáp án.


Ngẫm lại, mình nhận ra rằng những giờ trầy trật tìm nguồn tài liệu để nghiên cứu và bảo vệ cho ý kiến của mình (thông tin từ Google và Wikipedia không phải lúc nào cũng đáng tin), những lúc phải nghiền ngẫm để nhìn một vấn đề từ nhiều góc độ nhất có thể, đã tôi luyện cho mình tinh thần không ngại mò mẫm, và sự tự tin khi bảo vệ quan điểm cá nhân. Quá trình tổng hợp tri thức từ nhiều lĩnh vực này khiến mình nhận ra: những môn học ban đầu ngỡ như không liên quan, hóa ra lại bổ trợ cho nhau nhiều không tưởng.

Mình nhớ mãi lời thầy:


Chẳng có gì đúng trên đời, các bạn chỉ phải chọn những biện luận hợp lý để bảo vệ cho ý tưởng của mình mà thôi.


[...] “cửa sổ” có thể là những thứ phản xạ lại được ánh sáng. Kể cả những đôi mắt.


Được quan sát. Được đặt câu hỏi.


Dấn thân nghiên cứu, đọc, viết, nghĩ, tổng hợp. Đó là kim chỉ nam mình thu được sau 4 năm thụ hưởng nền giáo dục khai phóng. Và đó cũng chính là cách học cần có ở bất kỳ công việc nào nói chung, và ở một công ty khởi nghiệp nói riêng.


Từ kỳ thực tập ở Wall Street (New York), qua lần lượt công việc kỹ thuật tài chính và giờ thì khởi nghiệp giáo dục ở Việt Nam, mình nhận ra rằng khả năng tích cực quan sát sự việc, và liên tục đặt câu hỏi đã giúp mình linh động và chủ động được rất nhiều trong công việc.


Quan sát. Đặt câu hỏi. Lại quan sát. Tự tìm câu trả lời.


Quá trình này cứ lặp đi lặp lại và được mài giũa theo thời gian. Thật sự không hẳn là dễ thực hiện - vì mỗi lĩnh vực sẽ có những thử thách riêng và mọi thứ thì biến hóa khôn lường, nhưng tinh thần giáo dục khai phóng đã trui rèn cho mình thật nhiều những yếu tố cần thiết để bản thân không bị bỡ ngỡ trước những kỹ năng mềm quý giá này.



Tác giả:

Nguyễn Bảo Trường Anh

Cử nhân Kinh tế và Mỹ thuật, ĐH Adelphi (New York, Hoa Kỳ)

Đã công tác tại một công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính của Singapore và hiện tại đang phụ trách một Doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục



 

Kết:


Những kỹ năng rèn luyện được ở đại học khai phóng:

  • Liên kết và xâu chuỗi vô vàn mảng tri thức tưởng chừng không liên quan

  • Ứng dụng lý thuyết vào thực tế

  • Rèn luyện các kỹ năng biện luận

  • Quan sát và thực hành kỹ năng đặt câu hỏi, và tự tìm ra câu trả lời cho chính mình


2 views0 comments

Comments


bottom of page