top of page

6 điều cha mẹ không nên nói với trẻ tăng động giảm chú ý

Cha mẹ thường muốn động viên con trẻ nhưng đôi khi những gì chúng ta nói ra lại có tác dụng ngược hoàn toàn với mong muốn của chúng ta. Dưới đây là 6 ví dụ của những điều mà chúng ta không nên nói với con trẻ nếu như con đang gặp khó khăn với chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).


1. “Đừng dùng ADHD như một cái cớ!”


Trên thực tế: Mặc dù ADHD không nên được dùng như một cái cớ để ngụy biện, nhưng tác động của hội chứng này thường là nguyên nhân lí giải cho những sai lầm của con trẻ. ADHD ảnh hưởng đến khả năng tự kiểm soát bản thân và khiến việc quản lý cảm xúc và tư duy lập kế hoạch của trẻ trở nên khó khăn hơn. Vậy nên trẻ tăng động giảm chú ý thường không kiểm soát được hành động hay hệ quả hành động của chúng.


Vì sao không nên nói như vậy: Nếu con bạn không cố tình phạm sai lầm mà gặp sự cố do ảnh hưởng của ADHD, thì việc khiển trách con sẽ chỉ khiến con cảm thấy con mắc lỗi trong mọi trường hợp mà thôi.


Chúng ta nên nói gì: “Con có thể giải thích cho ba mẹ vì sao chuyện này xảy ra không? Lần tới con có thể làm khác đi như thế nào?”


2. “Ai mà không thỉnh thoảng mất tập trung cơ chứ?”


Trên thực tế: Mặc dù phần lớn mọi người sẽ thỉnh thoảng mất tập trung vào việc mình đang làm, trẻ em mắc hội chứng ADHD thường xuyên phải trải qua tình trạng này. Chúng rất dễ bị xao nhãng và điều đó khiến chúng gặp rắc rối ở trường hoặc ở nhà.


Vì sao không nên nói như vậy: Có thể cha mẹ đang cố gắng làm cho con cảm thấy không lạc lõng, nhưng câu nói này sẽ phản tác dụng vì con thường xuyên (chứ không phải thi thoảng) trải qua trạng thái mất tập trung.


Chúng ta nên nói gì: “Ai cũng có một khó khăn nào đó trong học tập, công việc và cuộc sống. Con không cô đơn đâu.”


3. “ADHD khiến con sáng tạo hơn đấy.”


Trên thực tế: Có một số nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng chứng tăng động giảm chú ý có thể khiến người mắc chứng này suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ và dễ dàng tiếp nhận những ý tưởng mới lạ. Tuy nhiên có rất ít bằng chứng chứng minh ADHD thật sự khiến người ta sáng tạo hơn.


Vì sao chúng ta không nên nói như vậy: Kể cả khi có nhiều nghiên cứu hơn chứng tỏ nhận định này thì điều gì sẽ xảy ra nếu như con bạn không có nhiều biểu hiện của sự sáng tạo? Câu nói này sẽ chỉ khiến con cảm thấy áp lực hơn khi không thể đạt được kỳ vọng không thực tế này mà thôi.


Thay vào đó, chúng ta nên nói: “Ưu điểm và đam mê rất quan trọng. Hãy cùng nhau khám phá xem con yêu thích điều gì nhé.”


4. “Nếu con tập trung được với những gì con thích thì con cũng tập trung với việc học được.”


Trên thực thế: Những trẻ em bị ảnh hưởng bởi ADHD thường có những khoảng thời gian tập trung cao độ (hyperfocus) vào những điều mà chúng quan tâm hoặc những điều rất cấp bách. Đây đơn giản là cách não bộ của những người mắc chứng này hoạt động.


Vì sao chúng ta không nên nói như vậy: Trẻ em mắc chứng ADHD không thể kiểm soát khả năng tập trung của mình, và bình luận này khiến bạn có vẻ như không tin rằng con bạn gặp vấn đề về khả năng tập trung cũng như có thể lựa chọn tập trung hay không.


Thay vào đó, hãy nói: "Con vẫn cần phải hoàn thành việc của mình ngay cả khi rất khó để tập trung. Nếu cần thiết, con có thể nghỉ giải lao rồi tiếp tục."


5. “Khi nào lớn con sẽ hết tăng động thôi.”


Trên thực tế: Tăng động giảm chú ý là một phần của con trẻ và sẽ theo con cả đời, mặc dù một số triệu chứng của hội chứng này có thể sẽ giảm nhẹ đi khi chúng lớn lên. Và cũng có một số phương pháp trị liệu có thể giúp cải thiện tình trạng tăng động giảm chú ý của con trẻ.


Vì sao chúng ta không nên nói như vậy: Đầu tiên là bởi vì nhận định này không đúng. Hơn nữa, con có thể cảm thấy thất vọng khi các triệu chứng của con không giảm nhẹ đi. Và tệ nhất là khi con trẻ có những kỳ vọng không đúng về tình trạng của mình thì sẽ rất khó để con có thể tự nhận thức và học cách yêu thương bản thân.


Chúng ta nên nói: “Nhiều khi các vấn đề của ADHD sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên. Và có nhiều việc chúng ta có thể làm ngay bây giờ để hỗ trợ chúng.”


6. “Không ai quan tâm nếu con bị ADHD hay không đâu.”


Trên thực tế: Nếu mọi người không biết rằng con bạn mắc hội chứng này, họ không thể giúp đỡ và hỗ trợ cho chúng được. Thậm chí chính vì không thấu hiểu được nên họ có thể tỏ ra đánh giá và phán xét với những hành vi của các con.


Vì sao chúng ta không nên nói như vậy: Lời nói này không bảo vệ con như bạn nghĩ. Thay vào đó, lời nói này có thể khiến con trở nên đơn độc và xấu hổ với ADHD vì nghĩ rằng mọi người sẽ phản ứng tiêu cực khi biết con mắc chứng này.


Thay vào đó, cha mẹ có thể nói: “Con không cần giấu diếm về tình trạng của mình đâu. Con có thể chia sẻ với những người mà con tin tưởng để được giúp đỡ nhé.”


________________________________

Biên dịch bởi IEG Foundation



Comments


IEG Foundation 

Quỹ phát triển Giáo dục IEG Foundation là một doanh nghiệp xã hội phục vụ cho sứ mệnh lan toả giá trị giáo dục đến gần hơn với tất cả mọi người.

​Đồng hành cùng chúng tôi

Lan toả giá trị giáo dục

Địa chỉ

  • 128 Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội

  • 112 Cao Thắng, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Email

Kết nối

Theo dõi kênh Facebook

  • White Facebook Icon

© 2023 by IEG FOUNDATION. All rights reserved.

bottom of page