Hiện tại, hệ thống giáo dục của nhiều nơi vẫn đang chú trọng vào việc bồi đắp nền tảng kiến thức cho học sinh mà chưa đáp ứng được các nhu cầu về quản lý sức khỏe tinh thần, cảm xúc và sự phát triển toàn diện của các con. Nhiều nghiên cứu trong các ngành khoa học não bộ, giáo dục, khoa học giảng dạy cũng như xã hội học đã cho thấy: việc phục vụ sự phát triển toàn diện của trẻ em (whole child approach) là điều cần thiết để trải nghiệm học tập diễn ra hiệu quả. Cụ thể, các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng:
Sự phát triển của não bộ được định hình bởi những mối quan hệ bền vững, gắn bó và hỗ trợ, các giao tiếp linh hoạt, kịp thời và hướng tới những hành vi tích cực. Năng lực của não bộ sẽ phát triển toàn diện nhất khi trẻ cảm thấy an toàn về mặt thể chất lẫn tinh thần, có cảm giác kết nối, hứng thú và được thử thách.
Quá trình học tập cũng bao hàm các yếu tố xã hội và cảm xúc. Những mối quan hệ, cảm xúc tích cực đều là chất xúc tác thúc đẩy quá trình khai mở tâm trí và tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, những cảm xúc tiêu cực như nỗi sợ hãi, lo lắng, và nghi hoặc bản thân đều có thể làm giảm khả năng xử lý thông tin của não bộ.
Các nghịch cảnh như sự nghèo đói, sự thiếu thốn các nhu cầu cơ bản như nơi ở và thức ăn, sao nhãng hoặc thiếu quan tâm từ người lớn đều ảnh hưởng tới việc học của trẻ. Cách nhà trường phản hồi trong những trường hợp này đều quan trọng. Một mối quan hệ tích cực và ổn định - khi người lớn có đủ sự nhận thức, đồng cảm và sẵn sàng lắng nghe - đều có thể giảm bớt tác động của những nghịch cảnh này.
Viện Chính sách Học thuật của Đại học Berkeley, Mỹ đã tổng hợp các nghiên cứu và đưa ra 04 định hướng giúp các trường học phát triển học sinh trong điều kiện tốt nhất. Bốn nguyên tắc bao gồm: môi trường học tập tích cực, phương pháp giảng dạy hiệu quả, giáo dục cảm xúc - xã hội và mạng lưới hỗ trợ cho mỗi học sinh.
1. Môi trường học tập tích cực nhằm phát triển các mối quan hệ bền vững giữa gia đình - nhà trường - học sinh
Theo một báo cáo quốc gia ở Mỹ, chỉ 30% học sinh trung học phổ thông đánh giá tích cực về văn hóa trường học của mình. Một môi trường học tập tích cực là nền tảng để học sinh cảm thấy an toàn và kết nối hơn với cộng đồng. Một số yếu tố giúp gia tăng tính kết nối giữa thầy cô và các con có thể là:
Quy mô lớp học nhỏ hơn
Giáo viên theo sát học sinh trong khoảng thời gian trên 1 năm
Các lớp học tập trung vào việc xây dựng cộng đồng; giáo viên thường xuyên hỏi thăm các con và gia đình
Đề cao sự tôn trọng mỗi cá nhân và tạo cơ hội để các con chia sẻ về trải nghiệm của mình
Tạo cơ hội để cộng đồng giáo viên và nhân viên nhà trường hợp tác, gia tăng sự tin tưởng
Một cách để tạo cảm giác thuộc về là để các con đề xuất và xây dựng các quy tắc của lớp học, sau đó cùng nhau phân công và thực hiện các công tác chung để mỗi người đều có cơ hội tham gia xây dựng và kết nối với cộng đồng của mình. Tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, phát triển kỹ năng chuyên môn hoặc hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho giáo viên cũng giúp các thầy cô gắn kết và tin tưởng lẫn nhau.
2. Phương pháp giảng dạy hấp dẫn để phát huy khả năng tự quản lý việc học của học sinh
Học sinh thường có nhu cầu tìm hiểu về những kiến thức gần gũi với đời sống quanh mình. Quá trình tiếp thu kiến thức sẽ hiệu quả hơn nếu bài học được xây dựng dựa trên nền kiến thức sẵn có và phù hợp với khả năng hiện tại của từng học sinh. Chẳng hạn, đối với môn toán, thầy cô có thể liên hệ bài học trên lớp với những tình huống đời thường cần áp dụng những kiến thức này.
Những bài giảng được xây dựng dựa trên sự tò mò và hứng thú của học sinh đều giúp tăng động lực cũng như giúp các con phát triển những kỹ năng thiết thực trong cuộc sống. Tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Oakland (Mỹ), học sinh đã lựa chọn nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới đại dương. Sau đó, các con cùng nhau thiết kế một chiến dịch giảm thiểu rác thải và khuyến khích tái chế tại trường. Ngoài việc giúp các con học sinh phát triển các kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề, những dự án này cũng góp phần mang lại tác động rõ rệt lên cộng đồng các con sinh sống.
Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra khi kết hợp sự đánh giá, nhận xét cũng như những cơ hội để các con hoàn thiện lại bài làm của mình cũng có thể giúp học sinh hướng động lực vào việc hiểu kiến thức, thay vì mải chạy theo điểm số. Ví dụ, một số trường học sử dụng hình thức đánh giá thông qua một dự án kéo dài cả năm học (capstone project) nhằm giúp học sinh có cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu sâu về một chủ đề có ý nghĩa với các con. Những dự án này thường trải qua quá trình đánh giá và chỉnh sửa nhiều lần để đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiên cứu, sau đó sẽ được trình bày trước hội đồng giáo viên, tương tự như bảo vệ luận án.
3. Phát triển các kỹ năng và cách tư duy giúp học sinh phát triển năng lực học tập, cảm xúc, và xã hội
Tại Mỹ, học sinh cảm thấy căng thẳng 80% thời gian khi ở trường. Khi bị quá tải, các con có xu hướng phản ứng tiêu cực nhiều hơn và gặp khó khăn hơn trong việc thích nghi tại trường.
Việc phát triển năng lực cảm xúc - xã hội giúp các con quản lý căng thẳng hiệu quả hơn và phát huy các kỹ năng mềm như khả năng đồng cảm và làm việc nhóm. Đồng thời, việc sở hữu bộ năng lực cảm xúc - xã hội tốt sẽ tăng cường nhận thức của học sinh về bản thân mình và mọi người xung quanh. Tích hợp các nội dung về giáo dục cảm xúc - xã hội trong giáo trình là điều nên làm để giúp các con cảm thấy kết nối và an toàn hơn tại trường học.
Bên cạnh đó, nhà trường có thể triển khai các hoạt động theo nguyên tắc khắc phục sai lầm hay mang tính phục hồi (restorative practices) để các con hiểu về trách nhiệm cá nhân, nhận thức được thiếu sót của mình và thay đổi bản thân, từ đó khôi phục các mối quan hệ xung quanh. Cách tiếp cận này giúp học sinh nhận ra vai trò và trách nhiệm của bản thân trong cộng đồng mình sinh sống, đồng thời xây dựng các kỹ năng và phát triển tinh thần tập thể.
4. Hệ thống trường học đủ cơ hội lĩnh hội kiến thức và kết nối với cộng đồng
Không phải học sinh nào cũng có điều kiện để tham gia vào những trải nghiệm và môi trường học tập chất lượng cao. Nghiên cứu cho thấy, trong vòng vài thập kỷ trở lại đây, những cha mẹ có thu nhập cao đã tăng mức độ chi trả cho các hoạt động ngoại khóa hay gia sư lên đến 151%. Trong khi đó, khả năng chi trả đối với các cha mẹ có thu nhập thấp chỉ tăng ở mức 57%. Sự khác biệt này đã dẫn tới khoảng cách về thành tích giữa những học sinh lớn lên trong các gia đình ở hai nhóm này.
Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều trẻ em rơi vào những hoàn cảnh khó khăn do nghèo đói, vô gia cư, thiếu thốn lương thực, rào cản học tập, hoặc không nhận được hỗ trợ về chăm sóc y tế. Nhà trường cần có một hệ thống linh hoạt để hỗ trợ các con trong trường hợp này.
Mô hình trường học cộng đồng là mô hình mà các trường công kết hợp với gia đình và các tổ chức cộng đồng để cung cấp những cơ hội giáo dục toàn diện cho học sinh. Mô hình này kết hợp các hoạt động trước và sau giờ học như các hỗ trợ học thuật, tư vấn, các trải nghiệm học tập vào mùa hè như tham gia hội thảo về phim ảnh và nghệ thuật, trại hè thể thao, hay những chuyến thăm quan tới các trường đại học. Một số trường có thể kết hợp với các tổ chức địa phương hoặc các trường đại học để tạo ra những trải nghiệm thực tế. Khi đó, học sinh có cơ hội giao lưu với những người có chuyên môn ở lĩnh vực mình yêu thích.
Để một hệ thống vận hành hiệu quả thì mỗi bộ phận không thể nào làm việc một cách rời rạc. Vì vậy, việc tích hợp hài hòa bốn yếu tố trên trong hệ thống trường học sẽ giúp các em học sinh phát triển một cách toàn diện nhất.
______________________________
Tài liệu tham khảo:
Comments